Bài 1: Tốt nghiệp đại học: Mừng ít - lo nhiều
Mòn mỏi chờ xin việc…
Thoắt cái, đã 4 năm, Ly Thó Sa và Ly Giờ Gụ (dân tộc Hà Nhì ở xã Y Tý, huyện Bát Xát) đã vượt qua bao khó khăn để theo học đại học với khát vọng trở về xây dựng quê hương. Vậy nhưng, đã 2 năm trôi qua, hai em vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Ly Giờ Gụ là 1 trong 3 người con gái Hà Nhì đầu tiên ở Y Tý học đại học. Sinh ra và lớn lên ở Lao Chải, hoàn cảnh gia đình em thực sự khó khăn vì mẹ mất sớm. Nhờ sự nỗ lực của bản thân nên em đã được tỉnh chọn cử đi học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2012, Gụ tốt nghiệp, nhưng trở về địa phương gần 2 năm, hiện giờ em mới được bố trí làm hợp đồng thử việc tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bát Xát. Ly Giờ Gụ tâm sự: “Mong muốn của em là được sắp xếp công việc ở vị trí phù hợp, đúng chuyên ngành mình được đào tạo”. Không được may mắn như Gụ, chàng sinh viên Ly Thó Sa tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc năm 2013, đến nay vẫn chưa xin được việc làm…Giờ Ly Thó Sa đang đi làm thuê cho một vài nơi, công việc rất bấp bênh. Gụ và Sa chỉ là 2 trong 9 trường hợp sinh viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bát Xát sau khi tốt nghiệp đại học hệ cử tuyển ra trường vẫn phải mòn mỏi chờ xin việc.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bát Xát cho biết: Thời gian qua, việc bố trí công việc cho các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng cử tuyển ra trường rất khó khăn, vì huyện không có chỉ tiêu biên chế, còn tuyển dụng cán bộ cấp xã cũng phải đúng chuyên ngành đào tạo. Từ năm 2011 - 2013, huyện Bát Xát có 29 sinh viên dân tộc thiểu số học cử tuyển đại học, cao đẳng đã tốt nghiệp. Dù huyện đã ưu tiên các vị trí tuyển dụng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng cũng mới chỉ bố trí được việc làm cho 9/18 sinh viên tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, căn cứ vào hướng dẫn của Sở Nội vụ và nhu cầu bổ sung giáo viên, nhân viên các trường học năm học 2014 - 2015, huyện đã tuyển 78 giáo viên hợp đồng từ tháng 9 đến hết tháng 12/2014, trong đó ưu tiên đối tượng người dân tộc thiểu số.
Với những sinh viên hệ cử tuyển đại học, cơ hội có việc làm đã ít như vậy, còn đối với những sinh viên người dân tộc thiểu số khác, mặc dù học đại học, cao đẳng hệ chính quy, thi vào trường đã khó, nhưng khi ra trường thì “cánh cửa” xin việc lại càng hẹp hơn. Thêm một ví dụ nữa để thấy rõ thực trạng này, đó là ở xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn. Từ năm 2011 đến nay, xã Làng Giàng có 54 em người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhưng đến nay mới 26 em có việc làm. Phạm Bích Đào, thôn Nà Tiềm, xã Làng Giàng, tốt nghiệp Đại học Hùng Vương, chuyên ngành Sư phạm Mầm non, mặc dù nguyện vọng của Đào là muốn được dạy học tại huyện Văn Bàn, nhưng năm nay chưa có chỉ tiêu tuyển dụng nên em vẫn ở nhà. Hay như trường hợp của Hoàng Văn Hướng, thôn An 2, xã Làng Giàng, em tự thi đỗ Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, nhưng năm 2012, sau khi tốt nghiệp cũng không tìm được việc làm. Hiện nay, Hướng đang bám trụ ở Hà Nội tìm cơ hội xin việc. Ông Hoàng Đình Tom, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Văn Bàn cho biết: “Học sinh trên địa bàn huyện chủ yếu học trung cấp, cao đẳng, rất khó tuyển dụng vì yêu cầu hiện nay là cán bộ, công chức phải tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành. Với những sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng không đúng chuyên ngành thì không thể tuyển dụng. Trong 3 năm (năm 2012 đến nay), dù cố gắng, nhưng huyện cũng chỉ bố trí việc làm cho 3 sinh viên hệ cử tuyển…”.
Theo Báo cáo Kết quả giám sát việc quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh, đến tháng 6/2014, toàn tỉnh còn 1.230 sinh viên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp chưa có việc làm. Trong đó, có 209 sinh viên đại học, 369 sinh viên cao đẳng, 652 học sinh trung cấp. Tỷ lệ sinh viên ngành sư phạm và y tế sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm chiếm đa số. Trong các địa phương, huyện Văn Bàn có số sinh viên dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp chưa có việc làm cao nhất, sau đó đến huyện Mường Khương, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Si Ma Cai… Xem ra “bài toán” tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp không chỉ làm đau đầu sinh viên và các gia đình, mà còn khiến chính quyền địa phương, các ngành chức năng khó tìm ra lời giải.
Thất nghiệp và âu lo
Thực trạng nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ra trường chưa có việc làm không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân các em và gia đình, mà còn đang tác động không nhỏ đến công tác giáo dục vùng cao của tỉnh. Ông Ly Giờ Có, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý cho biết: Năm học 2013 - 2014, toàn xã có 73 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng thời điểm ban đầu chỉ có 28 em đăng ký học tiếp lên THPT… Nhiều gia đình nhìn thấy trong thôn, bản có người học đại học ra trường chưa xin được việc làm thì có vẻ ái ngại vì họ nghĩ học cũng chẳng để làm gì, có xin được việc làm đâu... Thầy Sa Anh, Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bát Xát nét mặt buồn buồn: Trước khi bước vào năm học 2014 - 2015, nhà trường rất phấn khởi vì sau nhiều đợt vận động, tỷ lệ học sinh các xã vùng cao tốt nghiệp THCS nộp hồ sơ vào học lớp 10 tại trường cao hơn mọi năm, đạt được kế hoạch đề ra. Nhưng khi năm học bắt đầu được vài ngày, đã có một số em bỏ học ở nhà. Đến trung tuần tháng 9, đã có 15 học sinh không đi học lớp 10 nữa. Các thầy cô giáo rất vất vả trong việc vận động các em đi học tiếp… Thực trạng ấy không chỉ có ở vùng cao Bát Xát mà ở rất nhiều nơi. Ngay như huyện vùng thấp Bảo Yên, giáo viên ở các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều nêu lên những khó khăn, trở ngại khi vận động học sinh đến trường. Tình trạng thất nghiệp của những sinh viên dân tộc thiểu số kéo theo hệ lụy là nhiều gia đình không muốn con mình học cao hơn… Thầy giáo Lưu Tuấn Hiện, giáo viên Trường THCS xã Xuân Thượng thành thật: Mình đến vận động bà con cho con đi học, nhiều nhà bảo học cao để làm gì, rồi họ đưa ra ví dụ con ông này, cháu bà kia học đại học xong rồi vẫn ở nhà đi làm nương, thế thì học làm gì cho phí tiền phí của! Cái lý của đồng bào vùng cao mình là vậy. Giải thích cho bà con hiểu không dễ chút nào…
Như vậy, trong khi ngành giáo dục ra sức vận động học sinh ra lớp, phong trào khuyến học khuyến khích các em học tiếp lên các bậc học cao hơn, thì vấn đề thất nghiệp của sinh viên đã tạo nên sự âu lo cho rất nhiều bậc phụ huynh và gia đình. Sinh viên thất nghiệp đang bắt đầu “báo động” sẽ gây cản trở trong công tác vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa tiếp tục học lên bậc cao hơn. Mặt khác, một số lượng lớn sinh viên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp vẫn chưa có việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo, không phát huy được hiệu quả đang gây lãng phí nguồn nhân lực cho tỉnh.