Vaccine COVID-19 vẫn là biện pháp quan trọng giúp người dân tránh lây nhiễm bệnh.
Các biến chủng COVID-19 mới liên tục xuất hiện
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, dịch bệnh COVID-19 vẫn được đánh giá diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện; miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch bệnh khó dự báo.
Trên thế giới, nếu cuối tháng 3 ghi nhận 500 biến thể phụ Omicron thì hiện con số này đã lên đến 600. Các biến thể phụ lưu hành phổ biến tại các nước thì ở Việt Nam cũng đã ghi nhận.
Do đó, tại Việt Nam, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tiếp tục được áp dụng. Đặc biệt, các địa phương đánh giá mức độ dịch, công khai tình hình dịch sẽ giúp người dân trên cả nước luôn biết được mức độ dịch, có các giải pháp phòng, chống phù hợp. Cùng với bao phủ vaccine COVID-19 rộng, việc phòng, chống dịch linh hoạt, không áp dụng “zero COVID” như giai đoạn đầu giúp cho trong nước kiểm soát phòng, chống dịch hiệu quả và ứng phó phù hợp với tình huống dịch.
Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 với hình thức quản lí bền vững. Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; đồng thời phối hợp các chuyên gia, tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị cộng đồng chủ động đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; khử khuẩn, nhất là vệ sinh tay; và tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Về chiến lược tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam thời gian tới, GS.TS Phan Trọng Lân cũng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, và điều đó cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể thích ứng, kiểm soát dịch hiệu quả.
Cần đánh giá miễn dịch cộng đồng
Trong giai đoạn hiện nay, việc thay đổi chiến lược tiêm vaccine COVID-19 đang được quan tâm. Để có thể vạch ra các kế hoạch dài hạn cho vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, đánh giá miễn dịch cộng đồng là quan trọng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), muốn phòng bệnh thì tiêm vaccine, trước tiên là có miễn dịch cá thể để phòng bệnh cho bản thân và người khác.
Thứ hai, cần đạt được miễn dịch cộng đồng, vì khi nhiều người không mắc bệnh thì sẽ hạn chế nguồn lây cho người khác. Với vaccine COVID-19, chúng ta đánh giá miễn dịch để biết việc phòng bệnh cho các đối tượng đã đạt được như thế nào.
“Ví dụ như tiêm một vaccine mà rất nhiều người có miễn dịch thì mặc dù vaccine không hạn chế triệt để lây nhiễm nhưng vaccine giảm được mức độ tăng nặng, hạn chế nhập viện, hạn chế tỉ lệ tử vong” - PGS Phu nói.
Khi chúng ta biết được miễn dịch cộng đồng, tỉ lệ miễn dịch cao nghĩa là những người nặng, nhập viện, tử vong sẽ giảm thấp, khi đó sẽ yên tâm trong đánh giá giá trị các giải pháp phòng bệnh. Với vaccine, sẽ cần đánh giá miễn dịch về các yếu tố như mỗi vaccine tiêm như thế nào, vaccine nào đạt tỉ lệ miễn dịch tốt, hiệu quả như thế nào với từng loại đối tượng...
Thứ ba, đánh giá miễn dịch để chúng ta đặt ra vấn đề sẽ tiêm vaccine theo lịch như thế nào để phòng bệnh hiệu quả tối ưu (sử dụng vaccine gì, tiêm cho đối tượng nào, lịch tiêm ra sao) để phù hợp với thực tế miễn dịch cộng đồng.
Theo PGS Phu, trước khi triển khai tiêm vaccine COVID-19, các nghiên cứu đã có thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả khả năng sinh miễn dịch của vaccine sau khi tiêm, đó là tiêu chí cực kì quan trọng. Bây giờ tiêm xong thì cần đánh giá miễn dịch cộng đồng xem hiệu quả phòng chống dịch khi tiêm vaccine trên diện rộng.