Đưa chúng tôi đi tham quan những tuyến đường giao thông vừa mới được mở rộng thoáng đãng, sạch đẹp, đồng chí Nguyễn Thị Trâm, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn tự hào chia sẻ: Ở vùng đất này, mỗi thửa ruộng, dòng suối, ngọn đồi và từng nếp nhà sàn của người Tày vẫn còn ghi dấu ấn về một thời cách mạng hào hùng. Tinh thần cách mạng ấy giờ đây tiếp tục thôi thúc những thế hệ người dân nơi đây quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đầu xuân, cùng với các bậc lão thành và thiếu niên xã Khánh Yên Thượng đến tham quan Di tích lịch sử văn hóa “Khu du kích Gia Lan” - địa danh đã từng ghi dấu những chiến công thời kỳ đánh thực dân Pháp của quân và dân Văn Bàn. Khu di tích được xây dựng tại thôn Văn Tiến (người dân quen gọi bằng tiếng Tày là Bản Pi) dưới chân núi Gia Lan. Từ đây nhìn lên, đỉnh núi Gia Lan hiện ra hùng vỹ, dưới chân núi thấp thoáng mái nhà sàn của những bản người Tày trù phú và yên bình.
Ông Vi Văn Miên, người cao tuổi ở Bản Pi, kể: “Trước đây, từ trung tâm xã vào Bản Pi, Bản Noỏng, Noong Dờn đi lại khó khăn lắm. Năm 2010, khi Nhà nước triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân đã hiến đất mở đường và đổ bê tông cứng hóa, xe máy đi lại khá dễ dàng nhưng ô tô vào vẫn khó. Để giao thông thuận lợi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, Đảng bộ xã phát động phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất”, các hộ dân lại tích cực hưởng ứng. Nhà nhà tự nguyện dỡ rào, phá cổng nhường đất mở rộng đường. Cùng với đó, người dân cũng sửa sang nhà ở, vệ sinh sạch sẽ”.
Tiếp câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Trâm, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Yên Thượng chia sẻ: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Khánh Yên Thượng là một trong những xã của huyện Văn Bàn sớm đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2016). Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, qua rà soát thì xã có đến 8/19 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí giao thông. Đảng bộ xã xác định giao thông là rào cản lớn nhất đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hầu hết tuyến đường liên thôn chỉ có nền đường 3,5 m, không đảm bảo việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Muốn mở rộng đường thì Nhân dân phải đồng lòng hiến đất, vậy là từ đây, phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” được phát động.
Kết quả sau 2 năm phát động, xã Khánh Yên Thượng đã có 155 hộ tham gia hiến gần 4.400 m2 đất, 805 m2 tường rào; 36,2 m2 cổng sắt; 68,5 m2 mái tôn và hàng nghìn cây ăn quả các loại. Không chỉ hiến đất, Nhân dân còn đóng góp hàng nghìn ngày công, 250 tấn xi măng để giúp nhau xây lại tường rào, công trình. Tổng giá trị đất và tài sản Nhân dân đóng góp hơn 800 triệu đồng. Nhờ đó, các tuyến đường chính Bản Noỏng - Bản Pi, Bản Noỏng - Nà Thái, Loong Dờn - Nà Thái với tổng chiều dài gần 10 km được mở rộng nền đường rộng từ 5 m lên 8 m. Cùng với đó, các tuyến đường đã được trồng hàng rào xanh và trồng hoa, cây cảnh. Những tuyến đường rộng rãi, kiên cố được đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đó được xem là đòn bẩy làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn xã Khánh Yên Thượng.
Thật ra, những ngày đầu triển khai phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” không phải tất cả hộ dân đều đồng thuận ngay, bởi có một số hộ còn tiếc nuối những chiếc cổng, bức tường vừa mới tích góp tiền để xây dựng đẹp đẽ mà phải phá bỏ. Điển hình như hộ bà Hoàng Thị Nghiêm ở thôn Bản Noỏng, trước khi xã phát động phong trào, gia đình bà đã xây dựng cổng, tường rào và một quán bán hàng trị giá vài chục triệu đồng; hay tại thôn Noong Dờn, hộ ông Vũ Đức Thê, đã phải chặt bỏ hơn 100 cây quế gần 10 năm tuổi, phá bỏ toàn bộ tường rào đã xây kiên cố để hiến đất…
Hiểu được tấm lòng bà con, lãnh đạo xã và các tổ chức đoàn thể đã đến từng thôn họp, tuyên truyền để người dân hiểu chủ trương, từ đó chung tay xây dựng làng quê. Đối với những hộ dân bị ảnh hưởng nhiều, giá trị tài sản lớn, chính quyền huy động Nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp hỗ trợ một phần kinh phí xây lại cổng, tường rào, công trình... “Để có được kết quả như ngày hôm nay, điểm mấu chốt là luôn nêu cao truyền thống cách mạng trong mỗi người dân. Cùng với đó, phát huy tính dân chủ, minh bạch, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân” - đồng chí Nguyễn Thị Trâm, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định.
Từ Khu di tích Gia Lan ra trung tâm xã, xe chúng tôi bon bon trên những tuyến đường bê tông thênh thang, sạch sẽ, hai bên lề đường được trồng hoa, cây cảnh. Dọc bên đường, trước cửa những căn nhà sàn truyền thống, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, làng bản tươi mới và thanh bình.
Góp vào câu chuyện với chúng tôi, chị Lý Thị Tỉnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nói: Khánh Yên Thượng tươi đẹp như hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của hội viên phụ nữ. Từ việc vận động, các hộ dân đồng thuận hiến đất mở đường đến việc tổ chức trồng hoa, trồng hàng rào xanh rồi đến chỉnh trang vườn, nhà ở đều có sự góp sức của phụ nữ. Hội Phụ nữ xã cũng đã phát động các phong trào như “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “làm hàng rào xanh”, “những tuyến đường hoa” và mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”... Qua các phong trào, hầu hết hội viên phụ nữ đều tích cực chỉnh trang nhà ở, vệ sinh đường làng, ngõ xóm...
Một mùa xuân mới đang về trên quê hương cách mạng Khánh Yên Thượng. Dạo bước trên những tuyến đường nông thôn mới thênh thang, hoa đào đua nhau khoe sắc, chúng tôi nhận thấy trên khuôn mặt của mỗi người dân đều rạng rỡ, bức tranh mùa xuân càng trở nên tươi đẹp hơn. Lòng tôi chợt rộn rã với nhịp điệu của bài hát “Văn Bàn quê em nghĩa tình” mà một cô gái người Tày nào đó cất lên dưới mái nhà sàn nghe da diết, bâng khuâng.