Trường học đầu tiên của mỗi con người
Giáo dục là chức năng quan trọng của gia đình. Đây là trường học đầu tiên của mỗi con người. Làm tốt chức năng này, gia đình sẽ góp phần quan trọng tạo ra thế hệ trẻ có ích cho xã hội.
Hiện nay, gia đình hạt nhân là gia đình có 2 thế hệ cùng sinh sống trong một gia đình. Đây được coi là loại hình gia đình xương sống của xã hội hiện đại. Gia đình hạt nhân thường có từ 3 đến 5 thành viên, trong đó bố mẹ là lao động chính, sinh sống cùng các con chưa đến tuổi thành niên. Các thành viên trong gia đình trẻ tuổi, sức khoẻ tốt, năng động, tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin, có kế hoạch phát triển rõ ràng, có khát vọng vươn lên làm giàu. Việc giải phóng phụ nữ được đề cao, gánh nặng gia đình dần được chia sẻ, họ được đối xử bình đẳng và có nhiều điều kiện để phát triển...
Thực tế cho thấy, ở gia đình hạt nhân thường xây dựng tình thương yêu, lòng kính trọng người lớn tuổi, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng, kỹ năng sống, thẩm mỹ… Hình thức giáo dục được thực hiện trực tiếp thông qua các hành động cụ thể, sự khuyên răn, nêu gương là chính. Phương pháp giáo dục cũng có phần cởi mở vì các thế hệ có tuổi tác gần nhau hơn. Tuy nhiên, thời nay trong mỗi gia đình đang có sự biến đổi khá rõ trong nội dung giáo dục. Các gia đình thường tập trung hơn cho việc giáo dục ý thức nghề nghiệp, khả năng kiếm sống của con cái. Do đó, học tập thường là mối quan tâm lớn nhất của cha mẹ khi giáo dục con cái. Dẫn đến, nhiều khi coi nhẹ việc giáo dục truyền thống gia đình, coi nhẹ giáo dục trách nhiệm của con trẻ với xã hội, với dòng tộc. Trong hệ thống chính sách cũng đang có những khoảng trống về việc khuyến khích, tăng cường chức năng giáo dục của gia đình.
Theo số liệu khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Năm 2022, tỉnh Lào Cai có 174.179 hộ gia đình, số hộ gia đình 1 thế hệ (vợ, chồng): 17.847 hộ; số hộ gia đình 2 thế hệ (bố mẹ và con): 91.835 hộ; số hộ gia đình 3 thế hệ: 43.298 hộ, còn lại là các loại hình gia đình khác.
Mặt khác, việc giáo dục trong gia đình hạt nhân đang đứng trước tác động rất lớn của xã hội hiện đại. Nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ thiếu kinh nghiệm nuôi dạy con, lại đang giai đoạn khởi nghiệp, nuôi sống gia đình nên nhiều bậc cha mẹ buông lỏng chức năng giáo dục, giao khoán cho xã hội, nhà trường. Sự xâm nhập của internet vào từng bữa ăn, giấc ngủ cũng là vấn đề nhức nhối dẫn đến trẻ chịu sự “giáo dục” của mạng xã hội nhiều hơn cha mẹ, gia đình. Nhiều gia đình không thực sự còn là tổ ấm để trao truyền giá trị yêu thương. Trong mỗi gia đình, lối sống thực dụng, trọng vật chất đang len lỏi ở cách nghĩ, ở hành vi của người lớn. Sự thiếu gương mẫu của bố mẹ trẻ tuổi trong sinh hoạt gia đình, ứng xử xã hội dẫn đến sự méo mó trong hình thành nhân cách của con trẻ.
Xây dựng văn hóa gia đình bền vững
Văn hoá gia đình và giáo dục trong một gia đình văn hóa tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng thực hiện. Thái độ, lối sống của người lớn là yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng nền tảng gia đình, để gia đình đảm bảo được chức năng giáo dục.
Một gia đình hạnh phúc biểu hiện ở mối quan hệ ứng xử tốt đẹp, hiểu biết, sẻ chia, thông cảm, thương yêu nhau giữa vợ và chồng. Sự thương yêu, chăm sóc, hy sinh của cha mẹ vì con và sự kính trọng, biết ơn, hiếu thảo của con đối với cha mẹ, ông bà.
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Theo đó, mục tiêu chung nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp của gia đình, thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai cũng đã đưa ra mục tiêu số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” để phấn đấu thực hiện hằng năm. Đồng thời, nỗ lực thực hiện để các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hoá tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số.
Các ban ngành chức năng, các địa phương đều đã quan tâm thực hiện để các gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại. Các địa phương cũng đã xây dựng mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở. Đồng thời, đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã đưa ra mục tiêu hằng năm phấn đấu để nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng và thực hiện mô hình can thiệp, phòng ngừa, ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.
Để thực hiện hoàn thành các mục, nhiệm vụ trọng tâm công tác gia đình trên địa bàn, tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương đối với công tác xây dựng gia đình, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các chương trình về gia đình. Tổ chức các hoạt động truyền thông về gia đình nhân “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, các ngành. Xây dựng cơ sở dữ liệu số quốc gia về gia đình.