Công điện nêu rõ: Do ảnh hưởng của mưa, lũ, từ ngày 27 - 30/7/2024, tại các tỉnh khu vực miền núi Bắc Bộ, mưa, lũ đã làm 7 người chết, mất tích (Hà Giang 2 người, Điện Biên 2 người, Sơn La 1 người, Thái Nguyên 1 người, Bắc Giang 1 người), nguyên nhân chủ yếu do người dân tham gia giao thông bị lũ cuốn trôi, đất đá sạt lở vùi lấp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 2/8/2024, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cục bộ có nơi trên 200 mm, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, ngày 31/7/2024 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 5515/CĐ-BNN-ĐĐ về việc tập trung biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.
Để tập trung biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
Các sở, ban, ngành của tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: không lơ là, chủ quan, đồng thời quán triệt, thực hiện nghiêm Công điện số 5515/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 31/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới; các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản, kế hoạch, phương án đã ban hành, chỉ đạo từ đầu năm đến nay; căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tăng cường đôn đốc kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất theo quy định...
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết và tăng cường thời lượng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (loa, đài truyền thanh của cấp huyện, thôn, xã...) tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để các cơ quan, đơn vị và người dân biết, có kế hoạch và thực hiện các biện pháp phù hợp để phòng, chống, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, đá… nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, sạt lở gây ra.
- Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ, sạt lở đất để có phương án di chuyển kịp thời, kiên quyết sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn (khi cần có biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp không di chuyển).
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống thiên tai tại công trường. Phối hợp với các sở: Công thương, Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi thực hiện kiểm tra hồ đập, xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu về hồ đập, vận hành hồ chứa, xả lũ đúng quy trình; thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn cho các công trình, khu dân cư vùng hạ du; chuẩn bị các phương án ứng phó phù hợp, kịp thời.
- Rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
- Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; thực hiện đúng chế độ báo cáo về diễn biến thiên tai và tình hình thiệt hại (trước 7 giờ và 14 giờ hằng ngày), đồng thời báo cáo nhanh bằng điện thoại về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực công tác phòng, chống thiên tai): chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, UBND cấp huyện rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất,... để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa, lũ; bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đôn đốc cấp huyện sẵn sàng tổ chức sơ tán, di chuyển người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, kịp thời phát tin dự báo, cảnh báo cung cấp thông tin cho Sở Thông tin Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để thông tin kịp thời phục vụ cho công tác tham mưu, chỉ đạo.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công điện này; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.