Tục thờ cúng ngày xuân của người Thái Mường Lò

Ở Nghĩa Lộ - Mường Lò, dân tộc Thái chiếm 48% dân số. Đồng bào Thái nơi đây đã gìn giữ bền vững những nét đẹp văn hóa trong phong tục, tập quán, đặc biệt là nghi lễ thờ cúng ngày tết, ngày xuân và đây là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của họ.
Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An chia sẻ: "Trong các nghi lễ, phần tâm linh, tín ngưỡng được thể hiện qua những bài khấn. Những bài khấn mang nội dung tôn kính tổ tiên, thần linh và chúc tụng, cầu phúc, biểu dương sức lao động, răn dạy luân lý”. Một số bài văn khấn tiêu biểu thường được tế lễ trong dịp tết có thể kể đến bài "Xổng xên” - bài khấn chúc tụng trong lễ cúng. 
Nội dung bài khấn này nhấn mạnh sự biết ơn và cầu mong sự bảo trợ từ các thần linh, tổ tiên để gia đình bình an, hạnh phúc. Lời bản khấn có câu: "Khi chưa cúng còn hay ốm đau. Đã cúng rồi sẽ ngủ ngon, ở lành…”. Hay bài khấn cầu mong chủ nhà có cuộc sống tốt đẹp, yên lành có câu: "Từ nay sống hãy như rồng lớn/ Sống đẹp như rồng thiêng/ Nắng trên không chớ cháy/ Đau ốm dưới trần gian chớ mắc phải”. 
Tiếp đến là bài khấn "Xin giàu sang, phú quý” (xo hăng xo mi). Nội dung của bài khấn là cầu lộc cho chủ nhà có được mọi thứ: vàng bạc, công cụ lao động sản xuất loại tốt, xin các loại giống tốt để trồng trọt, chăn nuôi, xin các đồ dùng như: "Xin hay xin cả bạc/ Bạc tốt, bạc mỏ tậu/ Bạc nhiều lượt đúc sáng choang”… Những bản khấn này không chỉ mang lại không khí vui tươi cho ngày tết, mà còn góp phần nâng cao giá trị tinh thần trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái. 
Bên cạnh nghi lễ thờ cúng tổ tiên (phi hươn - ma nhà), lễ cúng tế mùa xuân của người Thái cũng là điểm nhấn văn hóa đặc sắc; trong đó, phải kể đến nghi lễ "Xên bản”, "Xên mường”, "Xên đông”, đó là nghi lễ cúng ma bản, ma mường, ma rừng được tổ chức để tạ ơn các thần linh đã bảo vệ mùa màng và cầu cho năm mới bội thu, cuộc sống người dân được yên lành. Trong nghi lễ, các thầy mo thường thực hiện nghi lễ tại một khu vực linh thiêng của bản, của mường và nơi được gọi là "Đông cắm - rừng cấm”. 
Những mâm lễ gồm thịt gà, xôi, rượu và hoa quả, vải cúng, giấy màu được đặt trang trọng trên giá tre dưới chân cây nêu, tạo nên không khí thật linh thiêng. Trong những ngày tết, vai trò của từng thành viên trong gia đình người Thái được phân công rõ ràng. Người già thường đảm nhận việc hướng dẫn, phổ biến ý nghĩa các bài khấn, ý nghĩa của từng nghi lễ, kể về các vị thần linh; thực hiện các nghi lễ thờ cúng bảo đảm sự trang nghiêm, đúng truyền thống. 
Người cao tuổi cũng kể chuyện cho con cháu nghe về lịch sử gia đình, dòng họ, những nhân vật lịch sử của tộc người Thái, sự hình thành cộng đồng người Thái ở Mường Lò, những bài học trong cuộc sống… nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc. Người trung niên, đặc biệt là nam giới, chịu trách nhiệm chuẩn bị thực phẩm, tổ chức lễ cúng và mời khách. Phụ nữ đảm nhận việc bếp núc, trang trí nhà cửa; đồng thời, dạy con cái các bài dân ca và kỹ năng truyền thống như: làm bánh, nấu ăn, gội đầu, tắm nước lá thơm, trang điểm… 
Trẻ em được khuyến khích tham gia các hoạt động văn hóa như: tập múa xòe, tập chơi nhạc cụ, học các bài hát truyền thống… Ẩm thực trong nghi lễ thờ cúng tế tổ tiên ngày tết của mỗi gia đình cũng như các nghi lễ cúng tế của cộng đồng trong dịp đầu xuân cũng được người Thái đặc biệt coi trọng. Ngoài bánh chưng, xôi nếp, cơm lam, cá nướng, thịt nướng… thì trên mâm cúng tổ tiên ngày tết của người Thái nhất thiết phải có một món mang tính trung tâm của mâm lễ, đó là món thịt lợn luộc gồm những tảng thịt mỡ, thịt nạc, thủ lợn, đuôi lợn, chân giò, lòng, sườn, tượng trưng cho một con lợn cúng hoàn chỉnh. 
Nghi lễ Xên mường, Xên đông, ngoài các mâm cỗ do các nhóm gia đình, các bản mang đến tế lễ thì mọi người trong mường còn phải chung mua một con trâu trắng, một trâu đen mổ để nguyên con làm hèm cúng hiến tế ma mường, ma rừng. Lễ cúng thuồng luồng thì ngoài các món ăn nấu chín trong các mâm lễ còn phải có thịt trâu sống và những con gà vịt còn sống để thả xuống suối hiến tế cho thuồng luồng để cầu mong cho mưa thuận gió hòa và thuồng luồng không làm hại người dân khi xuống suối… 
Tết cổ truyền là thời điểm để người Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò cũng như người dân Việt Nam tưởng nhớ tổ tiên, các thần linh bảo trợ và tổng kết những thành quả sau một năm lao động vất vả. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người cầu mong một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Bởi thế, nét đẹp trong tục thờ cúng ngày tết, ngày xuân của người Thái chính là sự thể hiện những khát khao đó và những giá trị này luôn được lưu giữ, kế thừa, phát huy để làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngọc Sơn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Người thổi hồn văn hóa Mông

Người thổi hồn văn hóa Mông

Tại xã Sín Chéng, có một người đang ngày ngày gìn giữ nghề làm đàn môi - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông. Đó là ông Giàng A Thống, người đã gắn bó với loại nhạc cụ mộc mạc mà sâu lắng, từng được ví như “tiếng lòng” của trai gái Mông trong những đêm hội tình xuân.

Sẽ tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 tại Hà Nội

Sẽ tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 tại Hà Nội

Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 dự kiến kéo dài 5 ngày từ ngày 14 đến 18-11, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, cùng nhiều hoạt động bên lề từ tháng 9 đến tháng 11 trên toàn địa bàn thành phố. Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì.

“Giữ lửa” văn hóa từ trong mỗi nếp nhà

“Giữ lửa” văn hóa từ trong mỗi nếp nhà

Trải qua bao thăng trầm thời gian, những giá trị, tinh hoa văn hóa của các tộc người luôn được gìn giữ, trao truyền ngay trong mỗi nếp nhà, từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương

Kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương

Ngày 13/7, tại Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, thuộc Di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở ở xã Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Ủy ban nhân dân xã Cam Lộ tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương 13/7 (1885-2025), mở đầu cho phong trào Cần vương chống thực dân Pháp.

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, chiều 12/7 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.

Cung đàn tròn người Pa Dí

Cung đàn tròn người Pa Dí

“Mường Khương xanh rất xanh…/Biên giới ơi yêu lắm một cung đàn/Một cung đàn tròn dân tôi người pa dí/Một cung đàn tròn như ánh trăng rằm/Một cung đàn tròn như mặt trời nắng mai rực rỡ”… đó là những câu thơ trong bài thơ “Đất nước tôi xanh một cung đàn tròn” của nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

fb yt zl tw