Hồng Đăng kể từ sau lùm xùm pháp lý tại Tây Ban Nha đã hầu như vắng bóng trên truyền hình - Ảnh: Website Nhà hát Kịch Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành quyết định về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, kế hoạch hành động cập nhật thực thi chiến lược này nêu rõ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs (người có tầm ảnh hưởng) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Dự kiến quy trình này sẽ được hoàn thành vào tháng 10/2023.
Từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Vụ Pháp chế của bộ - đơn vị đang phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng quy trình này - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bộ đã có quyết định về việc xây dựng quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, hạn chế tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Bộ đang xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, sau đó sẽ tổng hợp, tiếp thu và thống nhất với các bộ, ngành phối hợp.
Vị đại diện cho biết đây là văn bản cá biệt, không phải văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2021 cũng khuyến nghị các cơ quan thông tấn, báo chí phê phán, lên án, cân nhắc sử dụng hình ảnh của những nghệ sĩ vi phạm quy tắc ứng xử.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang phát triển thuật toán để chặn hiệu quả các quảng cáo sai sự thật.
Phát triển thuật toán để chặn hiệu quả các quảng cáo sai sự thật
Ngoài ra, trong quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 12Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng ban hành bộ danh sách "White list" (doanh nghiệp được quảng cáo) "Black List" (doanh nghiệp không quảng cáo trên đó) công bố trên Cổng thông tin điện tử của bộ và trang thông tin điện tử của cục.
Nhiệm vụ này nhằm mục đích điều hướng dòng tiền quảng cáo xuyên biên giới vào các cơ quan báo chí chính thống, các nền tảng nội dung số, website, các kênh, tài khoản đã được cấp phép hoặc có đăng ký hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu thị phần quảng cáo trực tuyến của các doanh nghiệp trong nước tăng từ 5-10%.
Một nhiệm vụ thường xuyên của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử được quy định trong quyết định này là duy trì đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới: chặn, gỡ thông tin xấu độc với tỉ lệ đáp ứng cao (90-95%), thời gian xử lý dưới 24 giờ, khóa các trang, kênh vi phạm nghiêm trọng.
Cục cũng được giao nhiệm vụ phát triển thuật toán để chặn hiệu quả các quảng cáo sai sự thật; gỡ các game không phép trên Google Play và Apple Store.