Với sự bùng nổ của công nghệ, nhiều người đã tận dụng sức mạnh của nền tảng mạng xã hội (MXH) để bày tỏ quan điểm của mình cũng như hỗ trợ việc kinh doanh.
Song, thời gian gần đây, nhiều cá nhân đã lợi dụng quyền tự do để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, thậm chí mạo danh người khác để thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm kinh doanh.
Mạo danh người nổi tiếng
Mới đây, chủ tài khoản Facebook Thang Dang đã phải công khai xin lỗi trên trang Facebook cá nhân vì có những lời lẽ xúc phạm đến Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Dù vậy, lời xin lỗi của người này không được phía Sacombank chấp nhận, bởi họ cho rằng những lời lẽ xúc phạm trước đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, hình ảnh lãnh đạo và đến thương hiệu của ngân hàng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng phải lên tiếng về tình trạng bị các đối tượng mạo danh lừa đảo bằng hình thức gửi các đường link giả đến khách hàng. Chiêu thức lừa đảo bằng việc giả đường link của ngân hàng, giả danh cơ quan điều tra lâu nay đã khiến hàng chục người dân bị ảnh hưởng, mất những khoản tiền lớn.
Xuất phát từ uy tín của bác sĩ Trương Hữu Khanh, người đã nhiệt tình hướng dẫn người dân trong phòng chống dịch Covid-19, một số đối tượng đã mạo danh lập Facebook với tên “Bác sĩ Trương Hữu Khanh” để quảng cáo thực phẩm chức năng, bán thuốc tăng chiều cao, thuốc trị tiểu đường. Vì tin lời quảng cáo từ trang Facebook mạo danh bác sĩ Trương Hữu Khanh mà gia đình bà P.T.T (ngụ TP Thủ Đức) đã mua mấy bộ sản phẩm tăng chiều cao trị giá hàng triệu đồng. Theo bà T., thời điểm dịch Covid-19, 6 người trong gia đình bà đã thoát khỏi tử thần nhờ sự hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình qua điện thoại từ bác sĩ Trương Hữu Khanh.
Vì vậy, khi thấy trang Facebook bác sĩ Trương Hữu Khanh quảng cáo sản phẩm chức năng, vì có nhu cầu mua nên gia đình bà không suy nghĩ, mua liền 2 bộ sản phẩm để ủng hộ. Mãi mấy ngày sau, bà T. đọc Facebook thấy bác sĩ thông báo không bán thực phẩm chức năng cũng như các sản phẩm khác trên MXH mới biết có người đã giả mạo. Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã phải tự đính chính trên trang cá nhân của mình...
Không chỉ có ngân hàng hay bác sĩ, không ít nghệ sĩ đã phải đính chính mình bị giả mạo, ghép hình ảnh, rằng họ không ký hợp đồng quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh như các quảng cáo tràn lan trên MXH.
Xây dựng cơ chế xử lý thông tin giả mạo
Pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức vi phạm khi sử dụng MXH. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, nếu lợi dụng MXH để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì cá nhân có thể bị phạt tiền 5-10 triệu đồng; tổ chức bị phạt 10-20 triệu đồng.
Thậm chí, hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác với mức phạt tù cao nhất 5 năm hoặc tội vu khống với mức phạt tù cao nhất là 7 năm (Điều 155, 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017). Riêng hành vi mạo danh người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền 2-5 triệu đồng tùy mức độ vi phạm, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và bị trục xuất nếu người vi phạm là người nước ngoài.
Theo luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TPHCM), người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín nên tố cáo đến cơ quan công an. Trường hợp nếu không muốn đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể làm đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho mình.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Trưởng Phòng Thông tin điện tử, Sở TT-TT TPHCM Nguyễn Thanh Hòa cho biết, thời gian qua, sở đã chủ động nhân sự, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin từ người dân để kịp thời rà soát, phát hiện, chấn chỉnh các hành vi tung tin giả, mạo danh. Sở TT-TT cũng đã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về hoạt động cung cấp thông tin trên không gian mạng, tránh tạo dư luận xấu về chính quyền thành phố.
Từ năm 2022 đến tháng 4-2023, cơ quan chức năng của Sở TT-TT đã phát hiện 655 tin bài có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, tin xấu độc, gây tác động tiêu cực đến dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của thành phố và các đồng chí lãnh đạo. Bên cạnh đó, Sở TT-TT đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát thông tin trên mạng internet đến các cơ quan nhà nước. Hệ thống có khả năng nắm bắt thông tin của các trang MXH có lượng theo dõi lớn. Sở cũng chủ động xây dựng các kế hoạch thanh kiểm tra; tăng cường phối hợp với Công an TPHCM giám định nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự trên không gian mạng.
Dù vậy, ông Nguyễn Thanh Hòa cũng nhìn nhận, hiện việc rà soát, xác định, xử lý các trang mạo danh, các thông tin xấu độc rất khó khăn, do quy mô người dùng MXH quá lớn. “Nếu bị hại không lên tiếng thì cũng rất khó rà soát được đâu là tài khoản MXH giả mạo và xác định chủ nhân của các tài khoản giả mạo này”, ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết. Hiện Bộ TT-TT vừa đề xuất quy định tất cả chủ tài khoản MXH thực hiện việc định danh. Với quy định này, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác thực tài khoản khi có đề nghị của cơ quan chức năng.