Ngay sau ngày khai giảng năm học 2009 - 2010, tỷ lệ học sinh ra lớp của Sùng Đô (Văn Chấn) đạt trên 90%, trong khi đó những năm trước chỉ đạt 35 - 40%, thậm chí đến hết tháng 10, nhiều học sinh mới ra lớp. Một điều đặc biệt là trong năm học mới này, nhà trường đã nhận được trên 40% số phụ huynh tự giác viết đơn xin cho con ra học.
Xã Sùng Đô có 313 hộ với 2.011 nhân khẩu, đời sống của 100% bà con dân tộc Mông ở đây chủ yếu dựa vào cây lúa nên còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, giao thông đi lại cách trở, có nhiều bản cách trung tâm xã cả ngày đường đi bộ. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn nhiều, nạn tảo hôn còn xảy ra khá phổ biến... nên công tác vận động học sinh ra lớp gặp không ít gian nan. Tuy nhiên, đó là chuyện của những năm trước đây, còn hiện tại công tác giáo dục của Sùng Đô đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.
Để có được những kết quả đó, trong những năm qua, Trường TH - THCS Sùng Đô luôn làm tốt công tác tham mưu với chính quyền địa phương, đặc biệt là kết hợp với các già làng, trưởng bản cùng nhà trường tuyên truyền vận động các phụ huynh và phân tích cho phụ huynh hiểu về quyền lợi khi cho con em đến lớp học cái chữ. Hơn nữa, để khuyến khích học sinh đến lớp, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nhân các ngày lễ và có các phần thưởng kèm theo nhằm động viên, biểu dương kịp thời đối với những học sinh có thành tích trong học tập cũng như trong các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức cho học sinh ở nội trú (theo mô hình nội trú dân nuôi) và triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đối với con em các hộ nghèo (hỗ trợ cho học sinh nghèo 140 ngàn đồng/học sinh/tháng). Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho các giáo viên “cắm bản” để tuyên tuyền, vận động học sinh đến lớp.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nên công tác giáo dục trong toàn xã đã bước đầu phát huy hiệu quả. Ngay sau ngày khai giảng năm học 2009 - 2010, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt trên 90%, trong khi đó những năm trước chỉ đạt 35 - 40%, thậm chí đến hết tháng 10, nhiều học sinh mới ra lớp. Một điều đặc biệt là trong năm học mới này, nhà trường đã nhận được trên 40% số phụ huynh tự giác viết đơn xin cho con ra học.
Anh Giàng A Xà - phụ huynh em Giàng A Lông học sinh lớp 6 tâm sự: “Gần vào đầu năm học mới này, được các thầy cô giáo đến nhà vận động cho con mình tiếp tục học, hơn nữa mình đã hiểu cho con học được cái chữ để nó hiểu biết về xã hội hơn, vì vậy mình đã tự nguyện viết đơn xin cho con vào học lớp 6”.
Cách điểm trường gần 6 tiếng đồng hồ đi bộ, cùng với anh Xà thì anh Giàng A Cở, Giàng A Dơ, Vàng A Chư ở bản Làng Mảnh hay Vàng A Tủa, Vàng A Của, Vàng A Páo ở bản Giàng Pằng; Bàn Thừa Thành, Bàn Thừa An, Bàn Thừa Ngàn ở bản Ngã 2... cũng đã hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa việc cho con học chữ để ngày mai lập nghiệp nên tự nguyện viết đơn xin nhà trường cho con em vào học lớp 6 mà không bắt con lấy vợ, gả chồng như trước đây.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động học sinh ra lớp nên chất lượng giáo dục của nhà trường đã đạt được kết đáng mừng. Kết thúc năm học 2008 - 2009, toàn trường có 10% học sinh khá giỏi, tỷ lệ lên lớp đạt trên 95%; tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 85%. Năm 2008, nhà trường đã đạt chuẩn về phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Đó là bước tiến vững chắc cho nhà trường phấn đấu trong năm học 2009 -2010 đạt 18% học sinh khá, giỏi, tỷ lệ chuyên cần đạt 95%, lên lớp đạt 98% và hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trong năm 2009.
Hà Tĩnh - Hùng Cường