Hiệu trưởng Trường ĐH Fulbright Việt Nam, bà Trương Bích Thuỷ, cho biết sẽ dạy các môn Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh khác biệt so với các trường đang dạy hiện nay.
Tại hội thảo về Giáo dục Khai phóng tổ chức ngày 4/8 tại TP.HCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Fulbright Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy cho biết là một trường đại học Việt Nam, trường sẽ dạy những môn này nhưng cách dạy sẽ khác biệt so với cách các trường đang dạy hiện nay.
Theo bà Thuỷ, Chủ nghĩa Marx-Lenin và sự xuất hiện của Marx và Lenin là một phần tất yếu của lịch sử. Do đó, chúng ta không có lý do gì để nói rằng “Tôi muốn cắt giai đoạn đó ra khỏi lịch sử”.
“Cách tiếp cận của chúng tôi là như thế này: Nếu chúng ta đặt Karl Marx cùng những nhà triết học khác của Đức để nhìn thấy sự phát triển tư tưởng triết học của Đức, để xem dòng chảy (tư tưởng) là như thế nào, tại sao đến lúc đó thì chủ nghĩa Marx xuất hiện. Đó là cách chúng tôi sẽ dạy” - bà Thuỷ cho biết.
Đối với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, theo bà Thuỷ, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một phần trong lịch sử Việt Nam, nếu là người Việt Nam, chúng ta nên tự hào về giai đoạn lịch sử đó.
“Nếu chúng tôi đặt tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong lịch sử Việt Nam hoặc văn học Việt Nam, thì tôi hi vọng rằng trong vài năm tới đó không còn là “môn bắt buộc nữa”, mà sinh viên sẽ cảm thấy thú vị” - bà Thuỷ khẳng định.
Cũng tại hội thảo, bà Đàm Bích Thủy cho biết giáo dục khai phóng có ba nguyên tắc là dạy cách học, học cách nghĩ và học cách sống. Với mô hình này, sinh viên năm thứ nhất chưa cần trả lời câu hỏi "ra trường sẽ làm gì?", tránh cho sinh viên việc đưa ra quyết định khi mới bước qua tuổi 18.
Trong hai năm tiếp theo, sinh viên được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau một cách tự chọn và không áp đặt, khám phá ra mình say mê điều gì, khát khao làm việc gì nhất để đưa ra quyết định.
Trường ĐH Fulbright sẽ tổ chức các lớp giảng thử để các em học sinh quyết định chọn học hay không. Giáo dục khai phóng nhằm mục đích chuẩn bị cho công việc thứ 6, 7, 8, 9 của sinh viên chứ không phải là công việc đầu tiên.