Đây là lần thứ ba Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp nhận khối tài liệu lớn của nhà văn gồm tài liệu giấy, băng, kỷ vật. Trong đó, tiêu biểu là các bản thảo viết tay, đánh máy tiểu thuyết “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Sen vàng – con đường từ Huế”, “Chiến khu lõm”, “Người vẽ cờ Tổ quốc”, “Từ con đường ấy”, “Cô đơn Người chẳng bao giờ cô độc”, “Con đường và con người”, “Người Sài Gòn trong đêm Hà Nội đánh B52”, “Truyện Trần Phú”, “Nhớ nguồn”, “Mở khúc hành xuân”, “Những ngày bên Bác”...
Ngoài ra còn các bài viết:“Tấm lòng Bác với tấm khăn người mẹ Thái”, “Bác vẫn còn nhớ Hội An”, “Chân dung một con người”, “Bóng mát Bác Hồ”, “Kim Côn-nghệ sĩ nhiếp ảnh Bác Hồ”, “Người thủy thủ huyền thoại”, “Nhớ một cái Tết Bác Hồ”, “Những chuyện về Bác Hồ cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”….
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên gia đình gửi bảo quản tại Trung tâm 15 băng “Bác Hồ đến Mỹ”, “Người chụp ảnh Bác Hồ”, “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”… và nhiều hiện vật quý gắn với cuộc đời và sáng tác của nhà văn như đài radio, máy đánh chữ, đồng hồ đeo tay, hộp đựng bút, các loại kính, bản khắc dấu, các danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương, Huy chương, Kỷ niệm chương…
Đây là những tư liệu phản ánh chân thực, sinh động, đa dạng cùng với những tác phẩm được viết từ chính ngòi bút của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - nhà văn Sơn Tùng, đã khắc họa cuộc đời, sự nghiệp về Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Những tư liệu này sẽ làm phong phú hơn kho lưu trữ quốc gia Việt Nam…
Trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ thực hiện việc chỉnh lý, sắp xếp khoa học và phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu này, đưa tài liệu đến với công chúng và phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.