Triển lãm gồm 3 phần: Phần 1 mang tên “Những gương mặt thân quen” giới thiệu khái quát về các tác gia văn học lớn của thế kỷ XIX, XX như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Quang Bích...
Phần 2 mang tên “Hiểm địa” của ngôn từ, đề cập đến vụ án văn chương khoa cử và ngoài khoa cử… Các vụ án văn chương khoa cử và ngoài khoa cử được ghi lại khá nhiều trong Châu bản triều Nguyễn, liên quan tới những bài văn phạm húy, việc mang văn tự vào trường thi, sơ khảo chữa bài cho thí sinh… Hình phạt có thể từ đánh trượng, đóng gông, cho đến tội chết.
Sách Đại Nam thực lục chép về việc Tiến sĩ Nguyễn Khuyến 3 lần đỗ đầu.
Phần 3 mang tên “Tiêu dao miền thơ phú” giới thiệu vị trí đặc biệt của thơ văn trong cung đình triều Nguyễn. Khi đó, việc vua tôi cùng nhau làm thơ không chỉ để mua vui, mà có khi để ngụ ý khuyên răn, để nói chí hướng, tu tâm dưỡng tính, đào luyện nhân cách. Với những giá trị nổi bật, sinh hoạt văn chương cung đình triều Nguyễn đã góp thêm hương sắc cho lịch sử văn học nước nhà.
Bản tâu của Viện Cơ mật.
Các Châu bản triều Nguyễn cho thấy thơ văn không chỉ chuyển tải tâm trạng, những băn khoăn, trăn trở của các hoàng đế triều Nguyễn, mà thông qua đó còn cho thấy cách thức cai trị, dùng người cũng như ứng xử với quần thần, với dân chúng và với thiên nhiên.
Trong số những tài liệu được triển lãm, nhiều văn bản lần đầu tiên được công bố.