Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn được giao quản lý gần 25 nghìn ha rừng đặc dụng và đất lâm nghiệp. Diện tích rừng được giao quản lý lớn, lực lượng chuyên trách có hạn. Vậy nên để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Khu Bảo tồn đã thành lập 9 Tổ bảo vệ rừng chuyên trách, 13 Tổ bảo vệ rừng cộng đồng, với tổng 175 thành viên là người dân bản địa cùng tham gia tuần tra, bảo vệ rừng.
Những ngày đầu tham gia, các tổ viên còn bỡ ngỡ chưa hiểu rõ nhiệm cụ thể của mình phải làm gì. Nhiều tổ viên tuy thường xuyên đi rừng nhưng cũng chưa có nhiều kỹ năng đi rừng dài ngày và xử lý những tình huống phát sinh. Nắm bắt thực tiễn, Khu Bảo tồn đã tổ chức các lớp tập huấn, các buổi họp để hướng dẫn từng tổ viên nội dung công việc, những kỹ năng trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng với người dân, kỹ năng ghi nhật ký tuần tra, sử dụng các thiết bị tuần rừng…
Anh Sầm Văn Mạnh, Nhóm trưởng nhóm 1, Tổ bảo vệ rừng chuyên trách thôn Ta Náng, xã Nậm Xé nhớ lại: Khi được bầu là thành viên tổ bảo vệ rừng chúng tôi cũng chưa hình dung công việc cụ thể sẽ phải làm gì nên rất lo lắng. Khi được các cán bộ Khu Bảo tồn tập huấn, hướng dẫn chi tiết từng công việc phải làm, kỹ năng tuần tra, bảo vệ rừng nên mỗi thành viên nắm được nhiệm vụ để triển khai thực hiện. Hiện các thành viên trong tổ đều sử dụng thành thạo phần mềm cảnh báo cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng, những công việc khi trực tại các chốt, trạm bảo vệ rừng.
Để phối hợp bảo vệ hơn 1.800 ha rừng phòng hộ trên địa bàn, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát đã thành lập 9 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ có từ 9 – 12 thành viên do người dân trong thôn bầu lên. Tất cả những thành viên trong tổ đều là người có sức khỏe, gương mẫu, trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng. Tuy nhiên nhiều người chưa biết sử dụng những thiết bị công nghệ, phần mềm tuần rừng, hay kỹ năng lập kế hoạch, ghi nhật ký tuần rừng, chấm công cho từng thành viên.
Để bảo vệ 13.700 ha rừng trên địa bàn, đơn vị đã giao khoán cho 71 Tổ cộng đồng bảo vệ rừng ở các thôn với 367 thành viên tham gia. Đơn vị chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng cho thành viên các Tổ bảo vệ rừng. Các lớp tập huấn được mở ở từng thôn, tổ dân phố với cách truyền đạt dễ hiểu, thực hành tại thực địa để tất cả thành viên trong Tổ có thể sử dụng thành thạo phần mềm chuyên dụng trên điện thoại di động, thiết bị thông minh phục vụ cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng và ghi chép sổ nhật ký tuần tra rừng.
Bên cạnh đó cán bộ kiểm lâm còn hướng dẫn tổ viên những kỹ năng sinh tồn trong các hoàn cảnh bất thường, thiên tai khắc nghiệt, kỹ năng xử lý tình huống khi đối mặt với những đối tượng vi phạm Luật lâm nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.700 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, bản. Đây là lực lượng bám sát địa bàn cơ sở cùng với chính quyền, địa phương và ngành chức năng trong việc phối hợp tuần tra, kiểm soát và bảo vệ rừng. Qua thực tế khẳng định các tổ, đội bảo vệ rừng tại cộng đồng đã phát huy hiệu quả rõ rệt là “cánh tay nối dài” của các ngành, các cấp, là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác phát triển cũng như quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Để nâng cao năng lực, kỹ năng và phát huy hơn nữa hiệu quả của lực lượng này, hàng năm Chi cục chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các lớp tập huấn, nhằm trang bị kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức cho các tổ viên Tổ bảo vệ rừng về công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Hướng dẫn về quy trình sử dụng lửa an toàn trong việc xử lý thực bì phục vụ công tác trồng và chăm sóc rừng. Phổ biến các văn bản của nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng. Cài đặt, hướng dẫn sử dụng một số phần mềm chuyên dụng phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.