Tiếp sức doanh nghiệp công nghệ số Việt vươn ra thị trường nước ngoài

Trong những tháng đầu năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đón nhận tin vui khi có 4 sản phẩm đạt giải thưởng ASEN số 2024. Sự kiện đánh dấu chuỗi hoạt động tiếp sức doanh nghiệp công nghệ số Việt vươn ra thị trường nước ngoài.

Kỳ vọng thị trường trong khu vực

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), lần đầu tiên Việt Nam giành vị trí dẫn đầu về số huy chương vàng tại giải thưởng ASEAN số - ASEAN Digital Awards 2024 (ADA 2024) tổ chức tại Singapore. Trong 6 hạng mục của ADA 2024, Việt Nam nhận 2 giải Vàng và 2 giải Bạc ở 3 hạng mục Nội dung số, Bao trùm số và Đổi mới số.

ASEAN Digital Awards - ADA là một trong những giải thưởng lớn nhất và uy tín nhất dành cho các phần mềm, giải pháp công nghệ số đến từ các quốc gia ASEAN. Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2012, các đề cử được chấm và đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe bởi Hội đồng giám khảo là các chuyên gia đại diện cho 10 quốc gia ASEAN và 3 quốc gia khách mời (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc).

Theo công bố từ ban tổ chức, 4 giải thưởng đạt giải của Việt Nam gồm: “DrAid™ CT Ung thư gan” của VinBrain giành giải Vàng hạng mục Đổi mới số; “ICANKid-Chơi mà học” của Galaxy Education JSC nhận giải Vàng hạng mục Nội dung số. Nền tảng nông nghiệp số MobiAgri của MobiFone và hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu của FPT IS đều đạt giải Bạc, lần lượt ở 2 hạng mục Bao trùm số và Nội dung số.

Ứng dụng DrAid™ CT Ung thư gan sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ trong điều trị bệnh.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trương Quốc Hùng, Sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VinBrain cho biết: “Không phụ sự tín nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, VinBrain đã lần thứ 2 đạt giải Vàng tại ASEAN Digital Awards với các giải pháp về trí tuệ nhân tạo. Năm nay, DrAid™ CT Ung thư gan là một trong những sản phẩm trí tuệ nhân tạo hiếm hoi tại khu vực cũng như trên thế giới đi đầu giải quyết bài toán ung thư gan. Chiến thắng này cũng khẳng định năng lực, sức sáng tạo, khả năng làm chủ công nghệ mới của người Việt không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Ngoài ra, VinBrain cũng là đơn vị duy nhất trong Việt Nam đạt hai lần giải vàng từ khi giải thưởng này được thành lập từ năm 2013 đến nay. Đây cũng là bước đà quan trọng để thu hút sự chú ý và lan tỏa niềm tin của quốc tế với những sản phẩm công nghệ y tế có nguồn gốc từ Việt Nam, và là cầu nối để VinBrain mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường Đông Nam Á từ nay tới cuối năm 2024”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Hệ thống Giáo dục trực tuyến VioEdu cho biết: “Đây là năm đầu tiên VioEdu tham gia và giành giải tại ASEAN Digital Awards. Mục tiêu của giải thưởng này nhằm tìm kiếm, vinh danh các sáng kiến về CNTT có tính ứng dụng thực tiễn cao giúp mang lại giá trị cho cộng đồng, có khả năng phát triển bền vững và đóng góp vào phát triển kinh tế tại các nước ASEAN. Giải thưởng đặc biệt có ý nghĩa với doanh nghiệp trong việc quảng bá, hoàn thiện hơn nữa, hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền giáo dục số tại nước nhà, đồng thời tạo đà “xuất khẩu” sản phẩm sang thị trường quốc tế".

“Hưởng ứng chương trình “doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” - phát động bởi Bộ TT&TT, được sự hướng dẫn, đồng hành sát sao từ Bộ, trong hơn 6 tháng kể từ thời điểm lựa chọn sản phẩm, giải pháp, thực hiện hồ sơ đến thuyết trình tại vòng Chung kết, giải pháp giáo dục trực tuyến VioEdu đã được củng cố mạnh mẽ hơn về năng lực, sứ mệnh của mình. VioEdu có nền tảng mạnh và nội dung được xây dựng theo các graph kiến thức một cách thông minh, dễ dàng mở rộng quy mô về chiều ngang. Cùng với cách tiếp cận sáng tạo và những giá trị ứng dụng cao mà công nghệ mang lại cho người dùng, hệ thống nhanh chóng thu hút lượng lớn người dùng, trung bình từ 4-6 triệu tài khoản mới mỗi năm”, bà Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ.

Khi vượt qua sự thẩm định khắt khe từ hội đồng giám khảo trong nước và quốc tế tại giải thưởng ADA, năng lực và tiềm năng vươn ra quốc tế của VioEdu một lần nữa được khẳng định, giúp sản phẩm có thêm lợi thế để đến gần hơn với người dùng Đông Nam Á. Thực tế, đội ngũ phát triển VioEdu đã có kinh nghiệm triển khai các sân chơi quốc tế như Global Violympic (2016) và phối hợp với Bộ giáo dục Thể thao Lào triển khai sân chơi Laoslympic (2017).

Để vươn ra thế giới mang đến nhiều thách thức không chỉ đối với sản phẩm mà còn nguồn lực triển khai của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghệ số nói riêng không chỉ cần nắm rõ đích đến mong muốn của sản phẩm - giải pháp, nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, chiến lược phát triển sản phẩm tại đó, mà còn cần cân nhắc đến các rào cản về ngôn ngữ, văn hoá, các tiêu chuẩn pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng & bảo mật, sự gắn kết với chính quyền địa phương,…

"Các sản phẩm, giải pháp số sẽ có những lợi thế nhất định về việc tiếp cận người dùng và sự mở của thị trường, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. Do đó, yếu tố cần thiết là sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế, có tính linh hoạt, có thể cá nhân hoá sản phẩm để phù hợp với từng thị trường và ứng dụng lâu dài", bà Nguyễn Thị Ngọc cho biết.

Tiếp sức vươn ra thị trường nước ngoài

Ông Trương Quốc Hùng, Sáng lập kiêm TGĐ VinBrain cho rằng, để vươn ra thế giới, các doanh nghiệp số, nhất là công nghệ y tế cần có tư duy đầu tư vào cốt lõi - chính là sản phẩm. Thứ nhất, tạo ra sản phẩm khác biệt so với đối thủ hoặc thị trường còn thiếu. Thứ hai, sản phẩm phải có chuẩn chất lượng cao nhất để thích ứng được với mọi đòi hỏi từ nhiều thị trường khác nhau, kể cả thị trường khó tính nhất. Thứ ba, sản phẩm phải có tác động tích cực, bền vững tới cộng đồng để tồn tại lâu dài.

“Sau khi giành được giải thưởng, mong muốn của VinBrain là tập trung thương mại hóa sản phẩm, để mang hiệu quả tối đa cho các bác sĩ, phát hiện sớm bệnh nhân ung thư gan, và bệnh viện tăng nguồn doanh thu, giá trị gia tăng từ công nghệ AI, định hình một tương lai sáng hơn cho cuộc chiến chống lại căn bệnh có tỷ lệ mắc vào hàng cao nhất tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đang chờ chấp thuận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho sản phẩm này, sau thời gian dài nộp hồ sơ, đây là cơ sở cho các thoả thuận thương mại tiếp theo tại Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, DrAid™ CT Ung Thư Gan đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế và Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh sử dụng thử nghiệm”, ông Trương Quốc Hùng chia sẻ.

Ông Trương Quốc Hùng cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới nhất là theo trào lưu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ. Tuy nhiên, đầu tư là chủ công nghệ là sự đầu tư dài hơi. Đặc biệt là AI trong y tế, rất tốn kém. Cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm hướng dẫn, giới thiệu và xúc tiến các cơ hội giao lưu thương mại, giúp lan tỏa và đưa các sản phẩm công nghệ Việt ra quốc tế, khuyến khích và đẩy mạnh các quỹ đầu tư chất lượng cao từ nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Điều này không chỉ nâng cao uy tín cho các doanh nghiệp Việt khi có một cơ quan Nhà nước đứng ra đảm bảo và kết nối, mà còn đẩy nhanh tốc độ và mở rộng cơ hội nhận đầu tư cho các doanh nghiệp có sản phẩm số tiến bộ và tiên phong toàn cầu.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Hệ thống Giáo dục trực tuyến VioEdu cho biết: “Năm 2024, VioEdu sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI vào sản phẩm, cho ra mắt những nội dung học tập mới, forum hỏi đáp mở và tính năng gia sư trực tuyến. Đối với việc phát triển ra quốc tế, chúng tôi dự định sẽ bắt đầu từ những sân chơi và môn học “không biên giới”, như Toán tiếng Anh, ngoại ngữ, và tài chính cá nhân. Thông qua những sân chơi vì cộng đồng - thế mạnh của VioEdu, chúng tôi gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người dân địa phương để thuận lợi thâm nhập thị trường. Giải thưởng ADA mở ra cơ hội kết nối với các đơn vị giáo dục trong khu vực để “xuất khẩu” các sân chơi của VioEdu sang nước bạn và đưa những mô hình học tập tiên tiến về Việt Nam.

Học sinh ứng dụng VioEdu vào học tập.

“Để thành công chinh phục thị trường quốc tế, doanh nghiệp mong muốn trước hết được tạo điều kiện để bảo hộ, hoàn thiện và phát triển tốt sản phẩm ở trong nước, đồng thời cũng rất cần sự tư vấn, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước về pháp lý, nghiên cứu thị trường, chiến lược quảng bá sản phẩm đối với thị trường nước ngoài”, bà Ngọc kiến nghị.

Từ đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã phát động chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường kinh doanh tại nước ngoài. Do đó, nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp có các sản phẩm đạt giải ASEAN số năm nay sẽ được Bộ TT&TT triển khai thời gian tới như: Quảng bá sản phẩm công nghệ số trên phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tư vấn hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài; giới thiệu cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thử nghiệm, thí điểm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia...

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT - Bộ TT&TT) cho biết, theo thống kê, hiện nay, việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ yếu là thị trường nước ngoài. Có thể nói, 90% doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến từ thị trường nước ngoài. Mặc dù phần lớn doanh thu đến từ các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, đóng góp của các doanh nghiệp trong nước càng ngày càng lớn.

Đến thời điểm hiện tại, Cục Công nghiệp ICT ghi nhận sự phát triển ngày càng tích cực, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng tương đối tốt. Định hướng thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thị trường nước ngoài đã thu được kết quả ấn tượng trong năm 2023, khi có tới 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022; tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỉ USD, tăng 4% so với năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã xác định: "Đi ra nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy vinh quang, là sứ mệnh giúp Việt Nam hóa rồng, hoá hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”.

TTXVN/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên... Do đó, đề nghị phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ.

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) mới đây đăng bài viết với nhan đề “Tiêu dùng trực tuyến Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng”, dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu dữ liệu Metric, cho thấy 3 quý đầu năm, doanh số của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so cùng kỳ năm ngoái.

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

Hơn 10 năm trước, anh Chấu Seo Câu ở thôn Sả Séng là người đầu tiên của xã Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương) chuyển đổi một số diện tích trồng ngô sang trồng quýt sen. Tới nay, gia đình anh Câu có hơn 4 ha quýt, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, giá trị thu hoạch mỗi vụ đạt khoảng 200 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Câu đã thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng khấm khá khiến nhiều người dân vùng cao ngưỡng mộ.

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Quan tâm triển khai công tác đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao Si Ma Cai.

fbytzltw