Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Cổ Phúc có 43 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 18 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 23 trường hợp tử vong do AIDS. Từ năm 2013 trở lại đây, trên địa bàn thị trấn Cổ Phúc không phát hiện người nhiễm HIV/AIDS mới. Xác định công tác truyền thông cung cấp kiến thức cho người dân về HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, Trạm đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho nhân dân về căn bệnh thế kỷ.
Hàng tháng, Trạm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức 2 buổi tuyên truyền lồng ghép, họp nhóm về đề tài HIV/AIDS. Qua tuyên truyền, những vấn đề chưa rõ về HIV/AIDS được trao đổi khá sôi nổi, đặc biệt là con đường lây nhiễm, biện pháp phòng chống được người dân rất quan tâm. Những vấn đề chưa hiểu rõ đều được cán bộ y tế, cán bộ truyền thông tư vấn thỏa đáng giúp người dân, người nhiễm có nhận thức đúng về HIV/AIDS.
Những trao đổi, chia sẻ hết sức cởi mở đó đã giúp nhân dân, người nhiễm HIV có ý thức phòng chống hiệu quả, nâng cao nhận thức của cộng đồng, không xa lánh, kỳ thị với người bị nhiễm HIV/AIDS. Đây cũng là giải pháp được Trạm và các đoàn thể thị trấn chọn làm giải pháp thực hiện lâu dài theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Trạm đã tổ chức truyền thông trực tiếp đến 79 lượt người.
Ngoài làm tốt công tác truyền thông về HIV/AIDS, Trạm còn làm tốt công tác quản lý, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, góp phần hạn chế sự lây nhiễm của HIV/AIDS. Trạm đã phối hợp với Hội Phụ nữ thị trấn thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ phòng chống HIV/AIDS”. Các thành viên CLB trực tiếp tiếp cận người nhiễm, người có hành vi nguy cơ cao, tuyên truyền cho họ hiểu nguyên nhân, đường lây truyền, các biện pháp dự phòng lây nhiễm, chăm sóc, điều trị cũng như hậu quả do HIV gây ra đối với sức khỏe của con người, quyền và nghĩa vụ cá nhân trong phòng chống căn bệnh này.
Đồng thời, giới thiệu các dịch vụ như: xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ cho người nhiễm HIV, các biện pháp can thiệp giảm tác hại, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các tài liệu phòng chống HIV/AIDS. Hàng tháng, CLB tổ chức truyền thông nhóm từ 1 đến 2 buổi cho 15 đến 20 người. CLB còn tổ chức phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí cho đối tượng nghiện chích ma túy và có chương trình thu hồi bơm kim tiêm đã sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Cổ Phúc, kiêm Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Công tác tuyên truyền, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS là công tác nhạy cảm, nguy hiểm luôn rình rập. Có lần tôi đã bị đe dọa khi tiếp cận đối tượng nghiện chích ma túy để tuyên truyền, vận động đi xét nghiệm tự nguyện. Những lúc ấy mình phải bình tĩnh, hết sức mềm mỏng và kiên trì mới đạt được hiệu quả mong muốn”.
Để thực hiện công tác can thiệp giảm tác hại, hàng năm, Trạm đã xây dựng kế hoạch quản lý, tiếp cận những người có hành vi nguy cơ cao, phát tài liệu, hướng dẫn các loại dụng cụ sử dụng đúng quy định. Phổ biến những nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, lợi ích, sự cần thiết khi xét nghiệm sớm HIV, vận động khám thai định kỳ, giới thiệu các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cho mẹ và trẻ sau sinh…
Chị Nguyễn Thị Kim Hoa - cán bộ chuyên trách công tác phòng chống HIV/AIDS Trạm Y tế thị trấn Cổ Phúc cho biết: “Trạm đã thường xuyên tổ chức tư vấn tại nhà đối với người nhiễm HIV và người thân của họ, để hướng dẫn cách phòng lây nhiễm HIV trong gia đình, cách chăm sóc người nhiễm, xử lý một số bệnh lý thường gặp, tránh suy sụp tinh thần, không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, giúp họ dần xóa đi mặc cảm của bản thân, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng”.
Với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, các cán bộ Trạm Y tế thị trấn Cổ Phúc đang từng bước ngăn chặn và đẩy lùi HIV/AIDS ra khỏi cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và góp phần hoàn thành tốt mục tiêu các chương trình y tế về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Lê Thương