LCĐT - Thời gian qua, thành phố Lào Cai đã thực hiện xã hội hóa kinh phí khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục thành phố trong phong trào thi đua “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực”. Bên cạnh mặt tích cực, biện pháp này đang bộc lộ những bất cập, tránh tạo dư luận không tốt.
Bất cập trong xã hội hóa khen thưởng
Cứ đến tháng 10, tháng 11 hằng năm, những người làm giáo dục đều phấn khởi vì sắp đến ngày tôn vinh các nhà giáo. Các thầy cô giáo càng phấn chấn hơn bởi đây là dịp được tuyên dương, khen thưởng vì những thành tích đóng góp cho công tác giáo dục. Tuy nhiên, cận kề ngày 20/11 năm nay, đến một số trường trên địa bàn thành phố Lào Cai, chúng tôi nghe thầy cô giáo chia sẻ nhiều trăn trở, lo lắng.
Tại Trường Mầm non xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, năm học 2019 - 2020, qua xếp loại thi đua cuối năm học, nhà trường đề xuất khen thưởng 15 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trình lên Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố. Theo quyết định khen thưởng của UBND thành phố Lào Cai thì 6 cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến được khen thưởng bằng Quỹ Thi đua - Khen thưởng của thành phố; còn tập thể nhà trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến, 1 giáo viên đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và 8 giáo viên, nhân viên đạt Lao động tiên tiến sẽ được khen thưởng bằng quỹ xã hội hóa và do nhà trường tự đảm nhiệm.
Cô giáo Nông Thị Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Phời cho biết: Chúng tôi cũng rất đồng tình với việc thực hiện xã hội hóa thi đua, khen thưởng để có thể nâng tỷ lệ cán bộ, giáo viên được khen thưởng lên, kịp thời động viên nhiều thầy cô giáo và tạo thành tích chung cho trường. Tuy nhiên, do không có nguồn xã hội hóa nên vừa qua trường đã phải ứng ra 6,59 triệu đồng nộp về Quỹ xã hội hóa Thi đua - Khen thưởng của thành phố để khen thưởng cho cán bộ, giáo viên trong thời gian tới. Sau này nếu vẫn không huy động được xã hội hóa thì có thể các giáo viên, nhân viên sẽ phải nộp lại số tiền được khen thưởng đó để trả lại quỹ trường và chỉ có thể nhận bằng khen, giấy khen.
![]() |
Tiết dạy học của giáo viên Trường Mầm non Tả Phời. |
Cô giáo Lê Thị Thủy đã có 16 năm dạy học và gắn bó với Trường Mầm non Tả Phời tâm sự: Năm học 2019 - 2020, tôi đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, tuy nhiên tiền thưởng sẽ do Quỹ xã hội hóa của thành phố chi trả. Nếu trường không lo được kinh phí để nộp cho thành phố và nếu phải trả lại khoản tiền khen thưởng là 450 nghìn đồng cho quỹ trường thì tôi rất buồn so với những đồng nghiệp khác vẫn được nhận tiền thưởng. Số tiền tuy không lớn nhưng đó là sự khích lệ đối với những giáo viên vùng cao như tôi.
Không chỉ ở Trường Mầm non Tả Phời, tại một số trường học khác, xung quanh chuyện xã hội hóa kinh phí khen thưởng cán bộ, giáo viên vẫn còn không ít bất cập. Tại Trường Mầm non Hoa Mai, năm học 2019 - 2020, trường có 1 Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và 15 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến được khen thưởng bằng quỹ xã hội hóa. Do chưa huy động được kinh phí xã hội hóa nên trường đã phải trích quỹ trường để nộp vào Quỹ xã hội hóa của thành phố 8,72 triệu đồng (trong đó 8,24 triệu đồng khen thưởng và 480 nghìn để in, đóng khung giấy khen).
Câu chuyện khen thưởng ở trường tư thục
Xung quanh những bất cập trong chuyện xã hội hóa khen thưởng giáo viên ở thành phố Lào Cai, tại các trường tư thục lại nảy sinh những vấn đề khác. Trường Mầm non Duyên Sơn (phường Duyên Hải) là một trong số ít trường mầm non tư thục đã đạt chuẩn quốc gia. Trao đổi với phóng viên về công tác thi đua, khen thưởng của trường, cô Đỗ Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2019 - 2020, trường đạt Tập thể Lao động tiên tiến và có 38 giáo viên, nhân viên được UBND thành phố khen thưởng, trong đó có 3 Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và 35 Lao động tiên tiến. Năm học 2018 - 2019, trường cũng đạt Tập thể Lao động tiên tiến, có 37 giáo viên, nhân viên được khen thưởng. Là trường tư thục, kinh phí khen thưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên hoàn toàn do chủ trường chi trả, còn quyết định các danh hiệu thi đua do UBND thành phố công nhận.
Câu chuyện về khen thưởng tại Trường Mầm non Duyên Sơn sẽ không có vấn đề gì nếu như nhìn vào danh sách khen thưởng xã hội hóa của thành phố thì tỷ lệ giáo viên được khen thưởng của trường vượt trội so với các trường khác. Điều khó hiểu là trong 2 năm học vừa qua, Trường Mầm non Duyên Sơn chỉ đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến, theo tiêu chuẩn chỉ có 51 - 55% cá nhân đạt Lao động tiên tiến nhưng tỷ lệ giáo viên được UBND thành phố khen thưởng lại đạt 70,37%, ngang với trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Không biết liệu có phải trường này đang chi kinh phí xã hội hóa để “mua” thành tích hay không?
Cần sớm tháo gỡ bất cập
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Thanh Giang, chuyên viên Phòng Nội vụ thành phố Lào Cai cho biết: Vài năm học gần đây, ngoài nguồn quỹ thi đua, khen thưởng từ ngân sách, thành phố Lào Cai đã thực hiện việc xã hội hóa để có nguồn quỹ khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Lý do vì số lượng giáo viên của thành phố quá đông, trong khi đó nguồn kinh phí chi cho công tác khen thưởng của thành phố còn hạn chế. Năm 2020, Quỹ Thi đua - Khen thưởng của thành phố có gần 1,3 tỷ đồng.
Năm học 2019 - 2020, UBND thành phố Lào Cai đã ra quyết định khen thưởng 30 tập thể Lao động tiên tiến, 105 cá nhân đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 370 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến trong phong trào thi đua “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực”, kinh phí trích từ Quỹ Thi đua - Khen thưởng của thành phố. Cũng trong phong trào thi đua này, từ nguồn quỹ xã hội hóa khen thưởng cho 28 tập thể Lao động tiên tiến, 50 Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 726 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Nhìn vào số liệu này có thể thấy số lượng cá nhân được khen thưởng từ quỹ xã hội hóa cao hơn nhiều lần so với được khen thưởng từ quỹ thi đua, khen thưởng của thành phố. Mặt khác, số lượng cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến được khen thưởng từ quỹ xã hội hóa năm học 2019 - 2020 tăng 602 người so với năm học trước. Theo lý giải của chuyên viên Phòng Nội vụ thành phố, do năm nay thành phố sáp nhập thêm 7 trường với 198 giáo viên từ xã Cốc San, xã Gia Phú nên số lượng khen thưởng có sự thay đổi. Tuy nhiên, số giáo viên được khen thưởng tăng vượt trội cũng khiến nhiều người khó hiểu.
Trở lại chuyện huy động xã hội hóa để có nguồn kinh phí khen thưởng cán bộ, giáo viên, điều đáng nói là ngành giáo dục và thành phố Lào Cai lại giao cho các trường tự thực hiện. Như vậy, đã nảy sinh bất cập trong công tác khen thưởng là nhiều trường đang chịu áp lực, khó khăn trong huy động kinh phí xã hội hóa. Không ít cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, Lao động tiên tiến được khen thưởng theo nguồn quỹ xã hội hóa đang lo lắng không biết mình có được hưởng số tiền thưởng hay không, khi trường đang phải “đau đầu” tìm nguồn huy động kinh phí khen thưởng giáo viên.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai khẳng định: Việc xã hội hóa kinh phí khen thưởng giáo viên hằng năm đang phát huy nhiều tác dụng, góp phần động viên, khích lệ sự cố gắng của các thầy cô giáo trong các phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Ngành giáo dục và đào tạo thành phố sẽ không để xảy ra tình trạng giáo viên “có khen mà không có thưởng”, đặc biệt đang chỉ đạo các trường không được phép xã hội hóa khen thưởng giáo viên bằng cách thu tiền của giáo viên, phụ huynh, học sinh. Đối với các trường học vùng ven, vùng cao của thành phố khó khăn trong công tác xã hội hóa giáo dục, ngành sẽ có biện pháp hỗ trợ kinh phí khen thưởng giáo viên.
Hy vọng rằng UBND thành phố Lào Cai, ngành giáo dục và đào tạo thành phố sẽ sớm có thêm biện pháp tháo gỡ bất cập trong việc xã hội hóa khen thưởng giáo viên hằng năm, không để áp lực cho các nhà trường và không để phát sinh “bệnh thành tích”.