Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm và ký ức chỉ là những khoảng sáng mờ nhòe, nhưng niềm vui chiến thắng thì vẫn vẹn nguyên, khi lần giở lại, bỗng trở về sống động, tươi nguyên.
“Tháng 7/1953, khi đó tôi vừa tròn 16 tuổi đã tình nguyện nhập ngũ thuộc Đại đoàn 304 và hoạt động ngay tại quê nhà Thanh Hóa. Vì tuổi còn nhỏ, lại thông thuộc địa hình rừng núi nên tôi được phân công làm nhiệm vụ liên lạc là chủ yếu…”- cựu chiến binh Nguyễn Xuân San, 86 tuổi ở tổ dân phố số 8, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn kể chuyện những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp của mình bằng chất giọng đầy hào sảng.
Trong ngôi nhà nhỏ nép mình dưới bóng cây rợp mát, người cựu binh mái tóc bạc trắng bắt đầu cuộc “hành quân” ngược thời gian, dù dòng ký ức mờ dần theo tuổi tác, không còn liền mạch, thậm chí bị cắt xẻ nhưng vẫn ngời sáng tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Cuối tháng 2/1954, ông San cùng đồng đội được lệnh hành quân từ Thanh Hóa qua Sơn La để lên Điện Biên, chính thức giáp mặt với kẻ thù. Tại đây, đơn vị ông được giao nhiệm vụ khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, thực hiện mục tiêu chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh; vừa xây dựng trận địa tiến công và bao vây chặt phân khu Hồng Cúm, đào chiến hào lấn dần các cứ điểm đưa hỏa lực vào gần kiềm chế pháo binh địch.
Đồng thời theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, khi có điều kiện nhanh chóng tiêu diệt các cứ điểm, đánh chiếm sân bay Hồng Cúm, cắt đứt đường vận chuyển tiếp tế hàng không của địch.
“Sau chiến đấu ở khu vực sân bay Hồng Cúm, tôi được điều chuyển sang thực hiện nhiệm vụ đào hầm để đưa thuốc nổ vào đánh đồi A1. Nhiệm vụ “khoét núi” kết thúc bằng tiếng nổ rung trời, quân ta đồng loạt tấn công, tiến lên bắt sống tướng Đờ - cát – tơ – ry. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Có những trận đánh ác liệt, Tiểu đội 3 của tôi với tổng cộng 9 người hi sinh gần hết, chỉ còn lại 2 người, rồi lại tiếp tục được bổ sung quân số chiến đấu”- cựu chiến binh San hồi tưởng lại bằng những dòng ngắn ngủi.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông San cùng đồng đội được rút về xây dựng nông trường Sao Vàng ở Thanh Hóa, sau chuyển ngành đi học Đại học Sư phạm 1 Hà Nội và lên công tác trong ngành giáo dục, sinh sống tại huyện Văn Bàn từ năm 1962 đến nay.
Cùng trong đoàn quân tràn đầy dũng khí tiến lên lòng chảo Điện Biên chiến đấu với đội quân viễn chinh được trang bị vũ khí hiện đại năm xưa, cựu chiến binh Hoàng Văn San, một người con dân tộc Tày ở tổ dân phố Bản Cóc, thị trấn Khánh Yên nhớ lại. Năm 1953, vừa tròn 18 tuổi ông nhập ngũ thuộc Trung đoàn 148 Quân khu Tây Bắc và hành quân luôn lên Điện Biên Phủ, vừa đi vừa kết hợp huấn luyện chiến đấu trong thực tiễn.
“Tôi nhớ nhất trận đánh quân Pháp nhảy dù, đổ bộ xuống cánh đồng Mường Thanh vào cuối năm 1953, chỉ diễn ra trong hơn 1 giờ đồng hồ nhưng vô cùng ác liệt. Trận này đại đội của tôi có 150 người nhưng chỉ còn lại 24 người”- ông San hồi tưởng.
Thời gian sau đó, đơn vị của ông Hoàng Văn San được lệnh chốt giữ một số tuyến đường không cho quân Pháp tiếp viện từ phía Lào sang. Đồng thời triển khai đánh địch ở khu vực thượng Lào, rồi quay trở lại tham gia tiễu phỉ ở khu vực Mường Nhé, Mường Tè, Mường Nhà đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Ông San cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và củng cố khu vực phòng thủ, đến năm 1960 xuất ngũ trở về địa phương tham gia công tác đến năm 1987 nghỉ hưu.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân San và Hoàng Văn San cùng ở thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn là 2 nhân chứng sống của những năm tháng gian khổ kháng chiến chống thực dân Pháp 69 năm trước mà tôi may mắn được biết, được nghe các ông kể lại. Thời gian trôi qua, tuổi cao trí, nhớ giảm sút, câu chuyện không liền mạch, thậm chí không thể rõ ràng.
Nhưng, một điều lịch sử sẽ còn nhắc mãi, đó là chính các ông và bao người cùng thế hệ của ông Nguyễn Xuân San, Hoàng Văn San đã anh dũng chiến đấu giải phóng Điện Biên, giải phóng dân tộc sau gần 100 năm bị thực dân Pháp xâm lược, đô hộ, làm nên một chiến thắng vang dội khắp năm châu. Đó là chiến thắng bằng chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất, kiên cường của cả dân tộc Việt Nam, với quyết tâm dù “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”.