Những ngày trung tuần tháng 7, tôi may mắn được đi cùng đoàn công tác của tỉnh viếng thăm các “địa chỉ đỏ” trên mảnh đất Hà Giang – nơi địa đầu biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Dù là tỉnh nằm liền kề với Lào Cai nhưng phải mất hơn 4 giờ chạy xe liên tục trên cung đường đèo dốc, chúng tôi mới đến được huyện Vị Xuyên.
Xé tan cái nắng oi nồng của vùng đất khô khát, mang trong mình niềm thành kính, đoàn đến với Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ điểm cao 468. Chính tại mảnh đất này đã ghi dấu tinh thần chiến đấu quật cường, sự hy sinh quả cảm của lớp lớp cha ông ta hơn 40 năm về trước.
Vị Xuyên trở thành điểm nóng. Từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, địch đã đưa hơn 500.000 quân đánh chiếm vùng đất này.
Trong những đoàn người cùng hướng về vùng đất linh thiêng, chúng tôi bắt gặp các cụ già, trẻ nhỏ, các bạn đoàn viên, thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc và cả những cựu chiến binh đã từng có khoảng thời gian “sống bám đá đánh giặc” ở mảnh đất anh hùng.
Đứng bên chiến trường xưa, ông Nguyễn Công Cường năm nay 64 tuổi ở phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) thành kính dâng nén nhang thơm lên Đền thờ các anh hùng liệt sĩ điểm cao 468 thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Trước đền thờ, người cựu chiến binh già cẩn trọng trong từng động tác dâng lễ. Không nghe rõ ông nói gì nhưng với khóe mắt đỏ hoe, đôi tay run run, chắc chắn đó là sự thành kính và cả yêu thương của ông dành cho những người đồng đội đã từng kề vai, sát cánh trong chiến đấu để rồi “hóa đá bất tử”.
Ông Cường hồi tưởng: Tôi tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên từ tháng 9/1984 đến tháng 5/1986, là một trong những khoảng thời gian chiến sự diễn ra ác liệt nhất. Với nhiệm vụ làm Trung đội trưởng Trung đội Trinh sát, Sư đoàn 313 thuộc Quân khu 2, tôi cùng đồng đội thường xuyên có những chuyến trinh sát dọc biên giới, tại các điểm cao ác liệt, như 468, 509, 772, nhiệm vụ là nắm tình hình chiến trận, thế trận để kịp thời báo cáo cấp trên xây dựng chiến lược đấu tranh.
Ông Cường bảo, ngày ấy, khi chiến sự nổ ra, những thanh niên như ông đều hừng hực khí thế lên đường ra chiến trận. Nhà ông Cường có 3 anh em trai đều tham gia, trong đó ông và 1 người em trực tiếp chiến đấu ở Hà Giang, còn 1 anh thì tham gia bảo vệ biên giới ở Bản Phiệt của tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). Chiến tranh thật ác liệt, riêng tại mặt trận Vị Xuyên, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, hơn 1.000 chiến sĩ đã mãi nằm lại trong hang đá, dưới thung sâu vùng biên giới trước nỗi khắc khoải đi tìm.
Nghe ông Cường nói, đôi mắt chúng tôi nhòe lệ. Đứng trên điểm cao 468 nhìn ra bốn phía là điệp điệp, trùng trùng núi đá. Mỗi đỉnh núi là 1 điểm cao, như 685, 772, 233, Cô Ích, Bốn Hầm, 812, 1509... Dãy núi ấy tựa như bức thành trì bảo vệ vùng nội địa khỏi sự xâm chiếm từ bên kia biên giới, nên dẫu có phải đối mặt với hiểm nguy “sinh, tử”, những người lính vẫn kiên cường bám đá đánh giặc. Họ là những chàng trai tuổi 18, đôi mươi, có người gác bút nghiên, có người tạm biệt mảnh vườn, làng quê yêu dấu để lên đường chỉ với một niềm tin sắt son bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ Tổ quốc.
Về với vùng đất thiêng, chúng tôi được nghe bao câu chuyện của những bậc anh hùng. Những cái tên hay những địa danh “Thác gọi hồn”, “Đồi thịt băm”, “Lò vôi thế kỷ” nhắc gợi cho thế hệ hậu sinh sự khốc liệt của cuộc chiến đã từng diễn ra trên mặt trận Vị Xuyên. Nơi các chiến sĩ đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu “Một tấc không đi, một ly không rời” quyết tâm gìn giữ từng mỏm đồi, từng vách đá, điểm cao.
Lịch sử được ghi lại trên giấy còn chiến trường khốc liệt được viết từ máu và xương của những chiến binh đã dành cả tuổi thanh xuân hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc. Các anh ngã xuống hoặc mất đi một phần thân thể, một phần thanh xuân, mãi mãi là những chiến binh bất tử như lời thề mà anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã khắc lên báng súng của mình ''Sống bám đá đánh giặc/Chết hóa đá bất tử''.
Trong chuyến về với vùng đất thiêng, mỗi người dân đất Việt lại được bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, sự kính trọng, biết ơn với những hy sinh của các bậc tiền nhân, để rồi tự lắng lại, tự răn mình sống và làm việc tốt hơn theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn.