Cho đến giờ, những ngày tháng chiến tranh gian khó, ác liệt vẫn luôn là mảnh ký ức mà cựu chiến binh Hà Văn Bàn gìn giữ, trân quý trong suốt cuộc đời. Tháng 3/1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Hà Văn Bàn - người con của đồng bào Tày, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) cùng một số thanh niên ở địa phương lên đường nhập ngũ.
Sau một thời gian huấn luyện, anh Hà Văn Bàn trực tiếp tham gia chiến đấu tại nhiều mặt trận ác liệt. Tháng 1/1975, anh cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam và đến tháng 3/1975 trực tiếp tham gia Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.
Hôm nay, dù đã bước sang tuổi 70 nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn nhớ như in dấu mốc những năm tháng cách đây 48 năm. Vừa lần dở cuốn tài liệu về Sư đoàn 316 mình từng gắn bó, cựu chiến binh Hà Văn Bàn vừa kể: “Ngày 10/3/1975, nhận lệnh từ cấp trên, tôi khi ấy là Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316A đã cùng 30 chiến sĩ lên 2 xe tăng tấn công sở chỉ huy tiểu khu và khu thiết giáp Sư đoàn 23 của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột, mở đường cho các lực lượng của ta tổng tiến công. Chiến thắng Tây Nguyên là bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà cho chiến thắng Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975”.
Còn biết bao câu chuyện của những người lính năm xưa là con em đồng bào các dân tộc của Lào Cai ghi dấu trên khắp chiến trường. Từ năm 1969 đến năm 1972, con em của 21/27 dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Từ năm 1973 - 1975, trong các đợt tuyển quân, Lào Cai đều hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu tuyển quân.
Với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, trong 5 năm (1970 - 1975) đã có hơn 1.400 thanh niên Lào Cai lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam, trong đó có nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số.
Những ngày tháng Tư lịch sử, ôn lại trang sử vẻ vang của dân tộc, mỗi người dân Lào Cai nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng càng thêm tự hào về truyền thống yêu nước được viết lên bởi lòng nhiệt huyết, tinh thần quả cảm và máu xương của bao thế hệ cha anh. Đó là lời nhắc nhở, tiếp nguồn động viên để đồng bào dân tộc thiểu số của vùng cao Lào Cai hôm nay tiếp tục đắp bồi lòng yêu nước, vươn lên trong lao động, sản xuất, dựng xây quê hương, đất nước đẹp giàu.