Sa Pa là điểm đến ngày càng được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Trong khi khu vực trung tâm thị xã Sa Pa và nhiều xã, phường lân cận phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng hiện đại với các nhà hàng, khách sạn cao tầng, thì Mường Hoa lại chọn hướng xây dựng du lịch bản làng, phát triển các mô hình homestay. Ông Giàng A Sở, Bí thư Đảng ủy xã Mường Hoa cho biết: So với các xã, phường trên địa bàn huyện có lịch sử phát triển du lịch lâu đời, Mường Hoa thuộc tốp địa phương phát triển du lịch muộn. Đi sau nên chúng tôi đã họp bàn, cân nhắc và đưa ra quyết định, cần khai thác triệt để lợi thế của địa phương, tạo ra điểm nhấn, sự khác biệt. Theo định hướng đó, Mường Hoa xác định phát triển dịch vụ, du lịch gắn với bản làng - mô hình homestay. Đây cũng là hướng đi phù hợp với đề án phát triển du lịch cộng đồng của thị xã và của tỉnh.
Ở Mường Hoa, thôn Hòa Sử Pán 1 là điểm sáng làm du lịch homestay. Thôn nằm theo thế núi nên các khu xóm xếp tầng theo độ dốc đi lên. Rất ít nhà bê tông, cốt thép, Hòa Sử Pán 1 trở nên thơ mộng với những ngôi nhà gỗ, nhà xếp bằng đá thiết kế theo kiểu truyền thống của người Mông, mái lợp sử dụng chất liệu từ tự nhiên như lá cọ hoặc gỗ xẻ.
Để tạo điểm nhấn cho những ngôi nhà, chủ nhân của chúng còn khéo léo tạo tường bao bằng những loại cây, hoa đặc trưng của Sa Pa, như hoa hồng, hoa bất tử, trúc. Nhiều người còn tạo hình cổng bằng cây khèn, sáo là những nhạc cụ quen thuộc của đồng bào Mông; tái hiện những nghề truyền thống đặc sắc và nguyên bản (se lanh, dệt vải, thêu thổ cẩm, rèn dao...) để du khách được tham quan và trực tiếp thực hành. Trong không gian thắm màu sơn cước ấy, được nghỉ ngơi, tham quan là điều vô cùng lý tưởng. Đó cũng là lý do khiến du khách đã một lần đến lại hẹn gặp ở lần sau.
Homestay của chị Sùng Thị Mú nằm giữa thôn. Với cách làm du lịch cộng đồng gần gũi, thân thiện, nhà chị Mú luôn có đông du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Homestay của gia đình đưa vào hoạt động đã lâu. Ban đầu là những người bạn dẫn khách đến liên hệ nghỉ qua đêm, sau này thấy thu nhập tốt, tôi đã đầu tư sửa sang, mở thêm phòng. Đặc biệt, khi xã có chủ trương chỉnh trang đường làng, ngõ xóm phát triển du lịch cộng đồng, gia đình tôi rất đồng tình và tích cực tham gia.
Đến nay, xã Mường Hoa đã có hơn 80 cơ sở lưu trú homestay với hơn 700 phòng và xây dựng nhiều điểm check-in ngắm cảnh, “săn” mây... Xã cũng hướng dẫn thành lập mới 1 hợp tác xã du lịch tại thôn Hầu Chư Ngài với 17 hộ. Mường Hoa trở thành điểm sáng về phát triển du lịch cộng đồng của thị xã, bình quân mỗi năm đón hơn 100 nghìn lượt khách. Phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ, có hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2023, các cơ sở lưu trú đã đón 50 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu đạt hơn 20 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 300 lao động địa phương.
Trước đây, người dân Mường Hoa chủ yếu trồng ngô, lúa. Với trình độ canh tác lạc hậu, địa hình núi dốc, đất đai ít, khí hậu lạnh giá chỉ trồng 1 vụ nên năng suất, sản lượng các cây trồng không cao, chỉ đủ lương thực cho gia đình.
Phân tích điều kiện, tình hình, nhận thấy địa phương có lợi thế khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với một số cây trồng mới, xã đã đề ra chủ trương chuyển đổi giống cây trồng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã ban hành kế hoạch, quyết định, phân công cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách các thôn, bản, nhóm hộ; tập trung chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Địa lan là loại cây phát triển kinh tế mới của Mường Hoa. Theo người dân, đây là loại cây “dễ tính”, hợp với thời tiết nơi đây, bởi địa lan chỉ cần nền nhiệt mát mẻ quanh năm, có sương mù, đặc biệt không cần diện tích rộng, bằng phẳng. Do đó, những năm gần đây, nhiều hộ ở Mường Hoa đã phát triển kinh tế từ trồng địa lan. Đến nay, xã có hơn 40 hộ trồng địa lan với hơn 2.000 chậu. Nhiều hộ thu nhập cao từ mô hình này, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/hộ, như hộ các ông Lý A Quả, Giàng A Ly, Giàng A Sùng (thôn Hầu Chư Ngài), hộ ông Sùng A Pháng, Sùng A Dỉnh, Thào A Cấu (thôn Thào Hồng Dến) và nhiều hộ ở thôn Hang Đá, thôn Hòa Sử Pán 1.
Cùng với địa lan, người dân Mường Hoa còn trồng cây ăn quả ôn đới như đào, lê, mận. Tổng diện tích cây ăn quả của xã hiện có hơn 10 ha. Toàn bộ diện tích này đã cho thu hoạch. Đặc biệt, với hương vị thơm ngon, quả đào trâu Mường Hoa đã xây dựng được thương hiệu, được khách du lịch ưa chuộng. Xã đang đề nghị xây dựng quả đào trâu Mường Hoa thành sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, bà con còn trồng rau, màu, tập trung vào rau trái vụ ở các thôn vùng thấp. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh cũng chọn Mường Hoa là vùng đất tiềm năng khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao để trồng các loại hoa cắt cành (hoa hồng, hoa ly). Không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, việc này còn được ví như những khóa tập huấn miễn phí từ thực tế, giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, đổi mới tư duy phát triển kinh tế, sau khi tích lũy đủ vốn sẽ có đủ kinh nghiệm để tự phát triển trên chính diện tích đất của gia đình.
Với những định hướng đúng từ cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm của bà con trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân Mường Hoa ngày càng khởi sắc. Năm 2023, xã đã hoàn thành 23/23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đạt 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, có thêm 127 hộ thoát nghèo, 92 hộ thoát cận nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 30,08% (năm 2022) xuống còn 12,68% (năm 2023). Thu nhập bình quân người dân đạt 42,1 triệu đồng.
Biến khó khăn thành cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương cho phát triển kinh tế là hướng đi và cũng là đích đến của xã Mường Hoa. Với những định hướng phù hợp, người dân đã được tạo lập thói quen, kỹ năng trong việc phát triển các mô hình kinh tế gia đình. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì của Sa Pa, Mường Hoa đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của thị xã.