Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
"Rắn hoa cỏ" và hành trình tìm ra loài mới

"Rắn hoa cỏ" và hành trình tìm ra loài mới

Trên hành trình khám phá dãy Hoàng Liên hùng vĩ, các nhà khoa học đã tìm ra những loài sinh vật mới, chưa được biết đến, chưa được đặt tên.

l-1.jpg

Tôi gặp anh Tẩn Lỏ Quẩy, cán bộ Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) vào một ngày đầu xuân. Anh Quẩy kể tôi nghe về hành trình tìm ra một loài rắn vô cùng đặc biệt.

baolaocai-br_b2.jpg
Dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Đó là vào đầu tháng 4/2023, đồng hồ chạm mốc 5 giờ sáng, anh Quẩy thức giấc, cẩn thận kiểm tra lại hành lý, tư trang. Cái lạnh đầu hè ở vùng cao lướt qua kèm theo những cơn gió phảng phất đủ để người ta thèm khát giấc ngủ dài nhưng đối với anh Quẩy, hành trình đi tìm loài mới thôi thúc bản thân phải dậy thật sớm. Là người yêu thiên nhiên, thích khám phá, vì vậy anh Quẩy háo hức, luôn trong tư thế sẵn sàng cho hành trình dài thám hiểm rừng sâu núi thẳm.

1.jpg
Anh Tẩn Lò Quẩy và hành trình khám phát hiện loài rắn hoa cỏ mới.

Anh Quẩy đến điểm tập trung, cùng đoàn khảo sát xuất phát từ chân đỉnh Fansipan, men theo “lối nhỏ” không có sẵn tiến vào rừng sâu, bắt đầu hành trình tìm loài mới. Tuy nhiên, mất 2 ngày vừa di chuyển vừa tìm kiếm ở độ cao 1.000 - 2.000 mét của “nóc nhà” Đông Dương, đoàn vẫn không thu được kết quả gì. Đến điểm cao 2.200 mét thì trời cũng nhá nhem tối, mọi người dừng nghỉ qua đêm để hồi sức cho hành trình vào hôm sau.

r-1.jpg
z6092465618673-34f9cb8865ff19eed0a23b6855093a52.jpg
Loài rắn hoa cỏ mới được phát hiện.

Không thu hoạch được gì trước đó nên từ tờ mờ sáng hôm sau, đoàn quyết định khám phá kỹ khu vực rừng già ở độ cao 2.200 - 2.800 mét. Gió phần phật kèm theo mây mù giăng lối khiến công cuộc tìm kiếm trở nên khó khăn hơn. Thiên nhiên hoang dã cứ như một mê cung hun hút, vì vậy mọi người luôn cố gắng bám sát nhau không tách đoàn quá xa để tránh bị lạc. Khi đang tìm kiếm dưới những tán cây, bất giác anh Quẩy phát hiện có vật gì đó trườn ra từ bụi rậm. Quan sát qua, anh phán đoán đó là một con rắn. Cơ thể nó mang sắc xám phớt hồng, phần bụng có những vảy nâu óng như ánh kim rất đẹp, anh chưa từng thấy. Rất nhanh, mọi người tập hợp lại, lục lọi toàn bộ thiết bị chuyên dụng, máy ảnh, máy quay. Các chuyên gia nhanh chóng ghi hình, phán đoán độ cao, tìm hiểu điều kiện môi trường xung quanh con vật.

“Dù thao tác rất nhanh nhưng chúng tôi hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển theo từng nhịp trườn của con rắn nhằm tránh đánh động, để rắn ở trạng thái tự nhiên nhất mà quan sát”, anh Quẩy chia sẻ.

Sau 1 tuần ở rừng, trở về với thành quả thắng lợi đó và mất thêm một khoảng thời gian phân tích, so sánh với các loài gần gũi, các nhà nghiên cứu đã khẳng định đây là một loài rắn mới và chính thức công bố rộng rãi tới công chúng vào tháng 9/2023. Đây là loài thứ 32 trong giống rắn hoa cỏ Rhabdophis trên thế giới và là loài thứ 9 tại Việt Nam.

l-2.jpg

Dãy Hoàng Liên Sơn không chỉ là nơi cư ngụ của các loài rắn quý hiếm, mà còn là ngôi nhà an toàn cho gần 90 loài lưỡng cư. Trong đó có 2 loài cóc đặc biệt mang tên “Cóc mày Botsford” và “Cóc răng” được phát hiện trong chuyến khảo sát dài ngày của anh Nguyễn Thành Luân - một nhà khoa học trẻ đến từ Chương trình bảo tồn Rùa châu Á cùng các cộng sự là chuyên gia quốc tế và cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

baolaocai-br_z6105297408013-16b1911c062246f1f8021dc12642077f.jpg
Các nhà khoa học thám hiểm các loài lưỡng cư trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Anh Luân kể lại hành trình 14 ngày (từ ngày 5 - 18/8/2017) khám phá các loài lưỡng cư nơi rừng già âm u thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt: Đó là cuộc tìm kiếm trong rừng dài nhất mà tôi từng thực hiện. Cả đoàn cùng ăn, cùng ngủ trong khu rừng ẩm ướt, phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Những loài động vật nguy hiểm rình rập hay những con côn trùng nhỏ bé có nọc độc đều có thể gây hại cho người trong đoàn bất cứ lúc nào. Giữa núi non trùng điệp, bao la, cánh rừng rộng cả trăm héc-ta, con người vốn dĩ rất nhỏ bé, huống chi những loài lưỡng cư chỉ bằng hạt ngô nếp, vậy nên việc tìm kiếm, khám phá thực không dễ dàng.

2-loai-coc.jpg
Khám phá ra 2 loài lưỡng cư mới.

Anh Luân cũng như anh Quẩy, thiên nhiên hoang dã tươi đẹp khiến anh mê đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên qua những trang sách khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đối với anh Luân, những hiểm nguy chỉ là một phần để hành trình khám phá loài mới trở nên thú vị và thôi thúc thêm tình yêu, sự đam mê trong nghiên cứu các loài.

baolaocai-br_z6125640878615-acb45276b9ea742b53905b7b3f5bae28.jpg
Nghiên cứu tập tính trong đêm của các loài lưỡng cư.

Thành quả sau hơn 2 tuần ở rừng sâu của anh và các cộng sự có được là thêm tư liệu về 20 loài lưỡng cư thuộc 6 họ, phân bố tại khu vực núi Ky Quan San ở độ cao 2.100 - 2.700 mét. Điều đặc biệt và ý nghĩa nhất trong chuyến đi là phát hiện ra 9 loài chưa được xác định tên khoa học và chưa được định danh, có khả năng là loài mới cho khoa học.

3.jpg

Quá trình len lỏi, tìm kiếm kỹ ở độ cao 2.500 - 2.800 mét gần đỉnh Fansipan, đoàn đã phát hiện ra 2 loài cóc mới, sau này được đặt tên khoa học là Cóc mày Botsford (Leptobrachella Botsfordi) và Cóc răng (Oreolalax Sterlingae). Cả 2 loài có chiều dài thân chỉ từ 20 - 35 milimét, màu da nâu ánh đỏ và nhiều điểm không giống những loài cóc thông thường. Các mẫu ADN của chúng đã được thu thập, gửi sang châu Âu. Hội Động vật London (Vương quốc Anh) xét nghiệm và công bố kết quả không trùng khớp với bất kỳ loại động vật lưỡng cư nào trên thế giới đã được phát hiện trước đó.

coc-3.jpg
coc.jpg
Các tổ chức quốc tế công bố những loài lưỡng cư mới có ở Lào Cai.

Anh Luân tả lại khoảnh khắc chạm mặt 2 loài cóc mới: “Cảm giác khi ấy sung sướng đến tột độ. Các thành viên nhìn nhau, nở nụ cười mãn nguyện, cố kìm nén cảm xúc, hơi thở gấp gáp, tập trung quan sát chúng và thu thập dữ liệu. Ai nấy đều không dám rời mắt khỏi những bước nhảy tí hon bởi muốn dõi theo xem chúng làm gì trong một ngày, cách kiếm thức ăn ra sao, tồn tại, trú ẩn thế nào giữa thiên nhiên khắc nghiệt...”.

coc-2.jpg
Không ít loài lưỡng cư được khám phá trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Dù đã gần 8 năm nhưng anh Luân cảm nhận hành trình đáng nhớ đó chỉ như chuyện của ngày hôm qua. Trong những giấc mơ của nhà khoa học trẻ đôi khi vẫn hiện ra hình ảnh những chú cóc nhỏ với nước da đặc biệt, đôi mắt đen long lanh to tròn lẫn chút ánh vàng li ti như những ngôi sao của bầu trời đêm trong lần đầu gặp gỡ.

l-3.jpg

Hành trình của anh Quẩy, anh Luân và các nhà nghiên cứu khoa học có điểm bắt đầu nhưng sẽ không có điểm kết thúc, bởi thiên nhiên còn vô vàn điều bất ngờ, mới mẻ chờ con người khám phá.

khao-sat-tai-ky-quan-san-1-8340.jpg
Khám phá các loài sinh vật trên dãy Ky Quan San.

Trở lại câu chuyện phát hiện ra 2 loài cóc mới, quá trình nghiên cứu có sự phối hợp chặt chẽ giữa Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Hội Động vật London (Vương quốc Anh), Bảo tàng quốc gia Úc, Chương trình bảo tồn Rùa châu Á, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Anh Luân và các cộng sự ngoài chuyến đi trên còn có thêm nhiều chuyến đi rừng khác để khảo sát lưỡng cư trong khu vực, thu thập đầy đủ dữ liệu về 2 loài cóc mới, tìm hiểu vòng đời, sinh thái học, tập tính sinh sản và các mối đe dọa tiềm ẩn... của chúng. Đến nay, 2 loài cóc này đã được liệt vào Sách Đỏ Việt Nam, thuộc loài Cực kỳ nguy cấp (CR), hiện chỉ ghi nhận phân bố tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Các tổ chức, các nhà khoa học vẫn miệt mài nghiên cứu để đưa ra các giải pháp bảo vệ, bảo tồn 2 loài cóc quý hiếm này.

thu-thap-so-lieu-ngoai-thuc-dia-1.jpg
z6125640790565-24f719cc7486f34374c0ead595a3e898.jpg
Các nhà nghiên cứu bất chấp không ít những nguy hiểm khám phá ra loài mới.

Việc phát hiện ra loài mới là điểm nhấn trong hành trình khám phá, nghiên cứu, bảo tồn lâu dài các loài. Ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên đã có những chia sẻ với tôi rằng: “Đó chỉ là 2 trong số hàng chục loài lưỡng cư khác được phát hiện trên dãy Hoàng Liên Sơn. Để công bố một loài mới cho toàn cầu đôi khi mất vài năm, thậm chí cần cả thập kỷ nghiên cứu. Chúng tôi không chỉ bảo vệ 1 loài, mà đã thực hiện bảo tồn 4.788 cây thuộc 111 loài, trong đó có 11 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 4 loài thuộc Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, 5 loài trong Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp”.

2.jpg
baolaocai-br_b1.jpg
Chuyên gia quốc tế tham gia hành trình khám phá các loài sinh vật trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Con đường tìm đến loài mới thành công tiếp tục mở ra chặng đường mới nặng trĩu trách nhiệm trên vai đối với những nhà sinh vật học, bởi với mỗi loài được tìm thấy, câu hỏi lớn hơn luôn hiện hữu: Làm sao để chúng sống sót trong môi trường ngày càng biến đổi?

coc-4.jpg
Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên phối hợp với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước bảo tồn sinh vật quý hiếm phân bố tại Lào Cai.

Các nhà khoa học, chuyên gia sẽ tiếp tục hành trình tìm đáp án bằng tinh thần nhiệt huyết, trái tim của những người yêu thiên nhiên, yêu động vật, thực vật, tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tham mưu cho các cấp, các ngành bảo vệ sự đa dạng sinh học trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Quản lý thương mại điện tử: Cần hành lang pháp lý đủ mạnh

Quản lý thương mại điện tử: Cần hành lang pháp lý đủ mạnh

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, cùng với sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, đa dạng về chủ thể, phức tạp về bản chất đã dẫn tới nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Theo giới chuyên gia, cần sớm xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh, quản lý lĩnh vực này.

Sa Pa quan tâm phát triển kinh tế đêm

Sa Pa quan tâm phát triển kinh tế đêm

Kinh tế đêm là một trong những lĩnh vực quan trọng góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách, tăng doanh thu cho ngành du lịch. Thế nhưng hiện tại, các hoạt động kinh tế về đêm tại Sa Pa vẫn còn manh mún, chưa khai thác hết lợi thế sẵn có. Do vậy, chính quyền địa phương đang từng bước xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đêm bền vững, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài làm việc với huyện Bát Xát về triển khai một số dự án trên địa bàn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài làm việc với huyện Bát Xát về triển khai một số dự án trên địa bàn

Sáng 17/4, đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Bát Xát về việc triển khai các dự án phục vụ đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Dự buổi làm việc có đại diện một số sở, ngành của tỉnh và huyện Bát Xát.

Thôn Thái Bo nằm ven sông Hồng. Thôn có 196 hộ dân thì 80% trồng rau. Diện tích rau của thôn là hơn 7 ha.

[Ảnh] Bình yên làng rau Thái Bo

Thôn Thái Bo, xã Thống Nhất là một trong những vựa rau lớn nhất của thành phố Lào Cai. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trồng rau, người dân nơi đây đã vun trồng nên vùng rau rộng lớn, cung cấp rau xanh cho khu vực thành phố và các vùng lân cận. Vùng rau xanh ngát tạo nên vẻ đẹp trù phú, yên bình bên cạnh đô thị nhộn nhịp, đông vui.

Việt Nam vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại

Việt Nam vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại

Tại lễ công bố Báo cáo Thường niên FDI năm 2024 chủ đề "Thu hút FDI vào công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng" do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức ngày 16/4, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh thế giới biến động.

33 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp vướng mắc

33 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp vướng mắc

Toàn tỉnh có 33/58 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang hoạt động nhưng gặp khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ, tháo gỡ. Đó là thông tin của Sở Nông nghiệp và Môi trường tại Hội nghị về giải quyết những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp được tổ chức vào chiều 16/4.

fb yt zl tw