Cơ quan chức năng kiểm tra, thống kê số lượng phân bón giả tại kho của Công ty cổ phần thương mại phân bón Nam Dương. (Ảnh: HOÀI BÃO)

Mỗi năm ở nước ta, lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn vụ việc liên quan đến vấn đề này, kéo theo nhiều hệ lụy xấu đến thị trường.
Còn nhiều lỗ hổng
Vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán phân bón giả quy mô lớn lên đến hàng nghìn tấn do Công ty cổ phần thương mại phân bón Nam Dương và Công ty cổ phần Tập đoàn phân bón quốc tế Hoa Kỳ-VINA sản xuất bán ra thị trường. Theo đó, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 10 nghìn bao phân bón ghi nhãn mác phân NPK với tổng trọng lượng hơn 513 tấn và hơn 4.000 tấn nguyên liệu sản xuất phân bón.
Tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, cơ quan chức năng tạm giữ 848,3 tấn phân bón các loại của 32 đại lý phân phối sản phẩm phân bón của hai công ty nêu trên. Kết quả giám định cho thấy, phân bón do các công ty này sản xuất là phân bón giả.
Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình về vấn nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng thời gian qua còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm và để lại rất nhiều hệ lụy. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng làm giảm năng suất, chất lượng nông sản, tăng chi phí sản xuất cho nhà nông.
Bởi lẽ khi sử dụng thuốc giả, kém chất lượng, cây trồng sẽ không phát triển hoặc phát triển kém, nông dân phải tăng số lượng và số lần sử dụng các loại thuốc để cây có thể phát triển, từ đó làm tăng chi phí đầu vào. Thậm chí khi sử dụng các sản phẩm không bảo đảm chất lượng còn xảy ra hiện tượng cây trồng chết hàng loạt, nhà nông mất trắng. Ngoài ra, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng khi đưa vào đất sẽ làm thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất chân chính.
Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, nước ta có khoảng 700 cơ sở sản xuất với hàng chục nghìn chủng loại phân bón. Đối với thuốc bảo vệ thực vật, tính đến hết năm 2024, Việt Nam có tới 4.300 tên thương phẩm; trong đó, thuốc bảo vệ thực vật sinh học có 800 tên thương phẩm, còn lại là thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật và phân bón ở Việt Nam quá lớn.
Điều này gây khó khăn cho người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn sản phẩm cũng như phân biệt hàng thật, hàng giả. Đây cũng là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng, trục lợi. Phân bón giả, kém chất lượng được sản xuất, kinh doanh dưới nhiều hình thức như: Giả hoàn toàn về chất lượng và nhãn hiệu; giả về mặt chất lượng, điển hình như phân kali làm từ gạch nghiền; phân NPK làm từ đất, bột nhẹ hay phân DAP từ đá nghiền, vôi...Một số cơ sở còn làm hàng giả nhãn hiệu của các đơn vị uy tín hay hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng.
Nước ta có khoảng 700 cơ sở sản xuất với hàng chục nghìn chủng loại phân bón. Đối với thuốc bảo vệ thực vật, tính đến hết năm 2024, Việt Nam có tới 4.300 tên thương phẩm; trong đó, thuốc bảo vệ thực vật sinh học có 800 tên thương phẩm, còn lại là thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật và phân bón ở Việt Nam quá lớn. Điều này gây khó khăn cho người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn sản phẩm cũng như phân biệt hàng thật, hàng giả. Đây cũng là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng, trục lợi. Phân bón giả, kém chất lượng được sản xuất, kinh doanh dưới nhiều hình thức như: Giả hoàn toàn về chất lượng và nhãn hiệu; giả về mặt chất lượng, điển hình như phân kali làm từ gạch nghiền; phân NPK làm từ đất, bột nhẹ hay phân DAP từ đá nghiền, vôi... Một số cơ sở còn làm hàng giả nhãn hiệu của các đơn vị uy tín hay hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết.
Chủ tịch Hội doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, đối với thuốc bảo vệ thực vật, các đối tượng vi phạm chủ yếu về vấn đề hàng nhái, hàng nhập lậu. Các đối tượng này ghi nhãn mác, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, thành phần mập mờ để gây nhầm lẫn. Bên cạnh đó, các đối tượng để mức chiết khấu cao cho các đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp, thậm chí khuyến mại dưới nhiều hình thức, cho trả góp, cho nợ,… để có thể tiêu thụ sản phẩm. Vì lợi nhuận lớn một số đại lý đã làm ngơ. Thời gian qua, còn xuất hiện tình trạng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức mua bán trực tuyến; một số nơi quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng sự thật, thổi phồng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, thậm chí bán cả thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.
Cần quyết liệt và làm rõ trách nhiệm
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lộn xộn là do danh mục các loại vật tư này còn cồng kềnh, dễ tạo ra các lỗ hổng để các đối tượng xấu lợi dụng. Cùng với đó, sự phối hợp của các cơ quan quản lý được đánh giá chưa thật rõ ràng và thiếu chặt chẽ. Một số quy định về quản lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đến nay không còn phù hợp với thực tế. Công tác thanh, kiểm tra gặp khó khăn khi số lượng cửa hàng, đại lý buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lên tới con số vài chục nghìn nhưng lại nằm phân tán, nhỏ lẻ.
Các chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhìn chung tương đối đầy đủ, tuy nhiên, nguồn lực về con người nhất là lực lượng thanh tra chuyên ngành ở các địa phương được đánh giá còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc ngăn chặn, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Trong khi việc làm giả các loại vật tư này đem lại lợi nhuận lớn mà không đòi hỏi công nghệ cao, dễ dàng thực hiện.
Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, với số lượng nhà máy sản xuất và chủng loại phân bón lớn như hiện nay cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp “tinh giản”. Hiện nay, nước ta có khoảng 700 nhà máy sản xuất phân bón, trong khi nước láng giềng như Thái Lan con số này chỉ khoảng vài chục. Việc có quá nhiều nhà máy và chủng loại phân bón gây khó khăn cho công tác quản lý, người tiêu dùng cũng gặp khó trong việc nhận biết, lựa chọn sản phẩm. Do vậy, việc giảm số lượng các cơ sở sản xuất phân bón bằng rào cản kỹ thuật như công suất, công nghệ, thiết bị, người điều hành sản xuất… là cần thiết.
Hiện nay, việc quản lý kinh doanh, mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nhiều cơ quan quản lý cùng chịu trách nhiệm việc thanh tra, kiểm tra. Do vậy, để tránh sự quản lý chồng chéo, né tránh trách nhiệm phải quy trách nhiệm chính, cụ thể và chi tiết. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; tăng mức phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Cùng với đó, chính quyền và các đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa việc đào tạo, nâng cao nhận thức để nông dân có thể tự phân biệt phân bón thật-giả, cũng như nâng cao ý thức sử dụng hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng” - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn kiến nghị.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn kiến nghị, hiện nay, việc quản lý kinh doanh, mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nhiều cơ quan quản lý cùng chịu trách nhiệm việc thanh tra, kiểm tra. Do vậy, để tránh sự quản lý chồng chéo, né tránh trách nhiệm phải quy trách nhiệm chính, cụ thể và chi tiết.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; tăng mức phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Cùng với đó, chính quyền và các đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa việc đào tạo, nâng cao nhận thức để nông dân có thể tự phân biệt phân bón thật-giả, cũng như nâng cao ý thức sử dụng hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng.