Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng các Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai, dự hội nghị có lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự; các phòng chuyên môn nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Đoàn kết, kỷ cương - bản lĩnh, linh hoạt - đổi mới, sáng tạo - kịp thời, hiệu quả” của Chính phủ; bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nghị quyết của Quốc hội; các nghị quyết; chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế các bộ, ngành và sở tư pháp các tỉnh, thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 186 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương ban hành 1.540 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, 1.135 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và 57 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã.
Công tác thẩm định đề nghị xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được Bộ, ngành tư pháp chú trọng, bảo đảm chất lượng, thời hạn theo quy định.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; kết luận kiểm tra đảm bảo khách quan, chính xác. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời, đúng quy định.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được Bộ, ngành tư pháp chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện toàn diện, bám sát yêu cầu thực tiễn. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được đổi mới về nội dung, hình thức. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước tiếp nhận 53.346 vụ việc hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành đạt 79%.
Về công tác thi hành án dân sự, tổng số phải thi hành 775.101 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 574.289 việc; đã thi hành xong 382.058 việc. Lào Cai là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong công tác thi hành án dân sự.
Tổng số tiền phải thi hành đối với án dân sự là hơn 374 nghìn tỷ đồng (tăng 19,08%), trong đó đã thi hành xong hơn 70 nghìn tỷ đồng (tăng 34,72%).
Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo: Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 152 nghìn tỷ đồng, trong đó đã thi hành xong hơn 75 nghìn tỷ đồng.
Bộ, ngành tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Trong 6 tháng, cả nước đã tiếp nhận, thực hiện 37.879 vụ việc trợ giúp pháp lý (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 14.054 vụ việc kết thúc (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022).
Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Bộ, ngành tư pháp quan tâm chỉ đạo, chú trọng triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Quỳnh nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết, tập trung vào hai lĩnh vực chính gồm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hành chính - bổ trợ tư pháp.
Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện đúng và thống nhất trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự thủ tục rút gọn; làm rõ nghị quyết của HĐND cấp xã giao UBND cấp xã quyết định chủ trương đầu tư đối với xã có phải là văn bản quy phạm pháp luật không; làm rõ hơn một số nội dung đã trả lời, hướng dẫn trong Bộ tài liệu của Bộ Tư pháp.
Trong lĩnh vực hành chính - bổ trợ tư pháp, đề nghị thống nhất nội dung về thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp; cách ghi tên dân tộc trong quá trình đăng ký, quản lý hộ tịch của người dân.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao những nội dung trình bày tại hội nghị, các tham luận rõ ràng, tập trung; đề nghị các đơn vị chuyên môn ghi nhận, nghiên cứu trả lời các ý kiến, kiến nghị đã nêu tại hội nghị.
Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của ngành tư pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ, ngành tư pháp thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bám sát các chỉ đạo của Đảng, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương để tham mưu trong công tác xây dựng thể chế đảm bảo tính kịp thời, chất lượng; tập trung xây dựng bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường việc đôn đốc kiểm tra, tự kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Thực hiện một cách căn cơ, bài bản Chỉ thị số 23 ngày 9/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với hệ thống thi hành án dân sự, quan tâm nhiều hơn nữa công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo…