Ga Xuân Giao B thuộc quản lý của Chi nhánh Vận tải đường sắt mỏ Apatit Việt Nam. Ngay trong địa phận của ga cũng đang phải quản lý 2 đường ngang tự mở, một tuyến nằm giữa 2 ga Xuân Giao A và Xuân Giao B phục vụ đi lại cho cả trăm hộ dân trong khu vực. Theo quan sát của phóng viên, lối đi tự mở qua đường sắt tại 2 ga là đường nhỏ, xung quanh có cây và một số biển quảng cáo của hộ dân gây khuất tầm nhìn của người đi qua, rất nguy hiểm. Lối mở được kết nối từ Tỉnh lộ 151 đi qua 2 đường sắt vào khu dân cư nhưng tại khu vực này chỉ được lắp 1 biển cảnh báo rất nhỏ, không hề có gác ghi hay rào chắn.
Đặc biệt, ga Xuân Giao B là nơi tập kết hàng hoá vận tải với số lượng lớn, rồi sau đó sẽ chuyển qua ga Xuân Giao A và vận tải về xuôi theo đường sắt quốc gia. Theo thống kê của ga Xuân Giao B, trong tháng 1/2023 lượng hàng tập kết qua ga là 85.556 tấn, tháng 2/2023 tăng lên 97.285 tấn và lượng hàng có thể tăng lên trong các tháng tiếp theo. Theo cán bộ của ga thì chính tại điểm lối mở giữa 2 ga đã có vụ tai nạn gây thương tích nặng cho một cán bộ lái tàu của đường sắt quốc gia khi đi qua lối mở mà không quan sát kỹ cách đây vài năm.
Ông Lê Văn Khái, Trưởng ga Xuân Giao B, Chi nhánh Vận tải đường sắt mỏ Apatit Việt Nam cho biết: Hai lối mở trong địa phận ga quản lý có rất nhiều người và phương tiện qua lại thường xuyên, do đó để đảm bảo thì nhà ga chỉ có cách tuyên truyền với địa phương và nhắc nhở cán bộ của ga khi có tàu thì quan tâm nhắc nhở người qua đường ở 2 vị trí trên.
Trên địa bàn xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng) có 2 đường sắt là đường sắt của mỏ và đường sắt quốc gia chạy qua. Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch UBND xã cho rằng, với 2 tuyến đường sắt chạy qua các khu dân cư mà đường gom thì chưa thể đủ để người dân đi lại, phát triển kinh tế, do đó thời gian qua người dân trên địa bàn vẫn mở tự phát để đáp ứng việc đi lại qua đường sắt. Trước đây chỉ có 5 điểm đường giao cắt qua đường sắt nhưng đến nay đã có khoảng 13 điểm, chưa kể các điểm người dân tự mở trước cửa nhà.
Thôn An Tiến, xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) cũng là khu vực có nhiều lối mở tự phát qua đường sắt, trong đó chỉ có 3 điểm là lối đi chung đã được gom, còn lại là các lối người dân tự mở qua đường sắt để về nhà từ Quốc lộ 4E, cắt qua đường sắt vào khu dân cư.
Ông Phạm Xuân Tha (thôn An Tiến, xã Sơn Hải) cho biết: Nếu tính riêng trên địa bàn thì hiện 1 km đường sắt có tới 12 điểm lối mở, 4 điểm nguy hiểm cần được quan tâm bởi có các cụm dân cư đông người thường xuyên đi qua, nhất là điểm gần các trường học.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 2 tuyến đường sắt chính là đường sắt mỏ và đường sắt quốc gia. Trong đó, đường sắt mỏ có chiều dài 76,014 km với 9 ga và theo thống kê của lực lượng cảnh sát giao thông, có 155 lối đi tự mở ngang qua đường sắt nhưng mới chỉ có 8 điểm có gác ghi và người canh. Đường sắt quốc gia có chiều dài 77,6 km, chạy qua 9 ga, có 183 lối mở qua đường sắt nhưng chỉ 9 lối mở có gác ghi và người gác.
Cũng theo thống kê của lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 3 người chết, 1 người bị thương và thiệt hại tài sản gần 100 triệu đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh, Đội Cảnh sát giao thông đường sắt của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn. Đặc biệt, lực lượng đã tổ chức đo nồng độ cồn đối với cán bộ trong các ca trực tàu bao gồm cả lái tàu, người trực trung tâm, người trực gác chắn và cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ quá trình hoạt động tàu.
Cụ thể, lực lượng đã tổ chức đo nồng độ cồn đối với 48 lượt cán bộ trực tàu, trong đó đã xử lý 4 người có nồng độ cồn tham gia trực tàu, tổng xử phạt vi phạm hành chính là 20 triệu đồng.
Trước những nguy cơ có thể xảy ra mất an toàn giao thông đường sắt, ngày 1/3/2023 UBND tỉnh đã có Văn bản số 789/UBND-QLĐT về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, nghiên cứu lập dự án xây dựng hệ thống đường gom nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở, ưu tiên triển khai xây dựng trước tại các khu vực đông dân cư tồn tại nhiều lối đi tự mở. Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời biển báo hiệu đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc trên đường bộ tại các điểm giao nhau giữa đường bộ với đường sắt.
UBND, Ban An toàn giao thông các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và thành phố Lào Cai tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường sắt, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo vệ thiết bị và các công trình đường sắt; các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; tổ chức cho các hộ gia đình sống ven tuyến đường sắt, các xã, phường, thị trấn có tuyến đường sắt đi qua ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông…