Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được giao cho chủ thể quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật (mỗi công trình có 1 chủ thể quản lý, khai thác). Nhờ đó, cơ bản công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi được quan tâm, đáp ứng được nhiệm vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Từ tháng 5/2023 ngành nông nghiệp của nhiều địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, khiến năng suất, sản lượng giảm. Tuy nhiên, tại xã Quang Kim - vùng sản xuất nông nghiệp lớn của huyện Bát Xát - lại ít bị ảnh hưởng.
Anh Châu A Lỳ, Tổ trưởng Tổ quản lý thủy nông xã Quang Kim cho biết: Quang Kim hiện có 6 đội quản lý thủy nông. Cùng với việc huy động người dân khơi thông mương dẫn nước về ruộng, tổ còn giao nhiệm vụ cho 3 người tham gia trực tiếp vào khâu quản lý, vận hành hồ thủy lợi trên địa bàn và các đập đầu mối để lấy nước phục vụ tưới tiêu được thuận lợi, thường xuyên, hiệu quả.
Xã Quang Kim hiện có gần 21 km mương thủy lợi, 1 hồ chứa, trong đó có 15,96 km mương đã được kiên cố hóa; 5 km mương đất, tất cả các tuyến mương đang phục vụ sản xuất 89 ha lúa, 55 ha nuôi thủy sản, 15 ha rau, màu. Mặc dù 15,96 km mương kiên cố hóa đã được đầu tư trong giai đoạn từ năm 2001 - 2005 nhưng đến nay vẫn hoạt động tốt nhờ được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Năm 2022, xã Quang Kim đã dành 1 phần tiền thu từ sử dụng đất để đầu tư mới 626 m mương bê tông và 1 đường ống dẫn nước về ruộng (tổng kinh phí đầu tư 733 triệu đồng).
Huyện Bát Xát hiện có 438 công trình thủy lợi, trong đó có 1 hồ chứa có khối lượng 289.000 m3. Số công trình thủy lợi do cấp xã quản lý là 437 mương thủy lợi; đập dâng kiên cố là 217; đập dâng tự chảy tạm là 220, phục vụ tưới cho 6.747,5 ha các loại.
Ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: UBND các xã, thị trấn đã thành lập 151 tổ quản lý thủy nông với 433 thành viên. Tổ trưởng, tổ viên trong tổ quản lý là các trưởng thôn, trưởng dòng họ, trưởng nhóm hộ trực tiếp sử dụng, hưởng lợi từ các công trình thủy lợi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên các công trình thủy lợi và đã xử lý nghiêm một số trường hợp xâm lấn, ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các cơ sở về bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, đánh giá chất lượng các công trình. Nhờ đó, trong đợt hạn tháng 5 vừa qua, huyện Bát Xát không bị ảnh hưởng nặng.
Xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) nhiều năm qua luôn duy trì tốt việc duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi, nhờ đó, việc sản xuất hằng năm của xã luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ông Trần Đức Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết: Trên địa bàn đang vận hành hiệu quả 47 km mương, trong đó có 25,5 km mương bê tông; 21,5 km mương đất. Xã duy trì hoạt động 19 tổ thủy nông, thường xuyên nạo vét, duy tu, sửa chữa để mương hoạt động thông suốt. Hệ thống mương trên địa bàn luôn đảm bảo tưới tiêu cho hơn 350 ha đất nông nghiệp, 178 ha ruộng lúa nước 2 vụ. Đặc biệt, tháng 5/2023, khi các nơi bị hạn hán gây thiệt hại nhiều nhưng tại xã chỉ bị ảnh hưởng 70 ha ngô trồng trên đồi, toàn bộ diện tích lúa không bị ảnh hưởng nhiều.
Huyện Bảo Thắng hiện có 291 công trình thủy lợi, 183 mương với tỷ lệ kiên cố đạt 61,89%, phục vụ sản xuất 1.940 ha lúa vụ đông xuân; 2.018 ha lúa vụ mùa; 948 ha rau, màu; 567 ha nuôi thủy sản... Trên địa bàn huyện còn có 37 hồ, chủ yếu là hồ chứa thủy lợi loại nhỏ (36 hồ), loại vừa có 1 hồ.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh, việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, khai thác công trình thủy lợi trong thời gian qua được các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện vào cuộc quyết liệt; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân đã nâng cao nhận thức về quản lý, vận hành, khai thác. Tình hình quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn đã được giao cho chủ thể quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật về thủy lợi. Hiện tại, cơ bản công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi được thực hiện thường xuyên, liên tục, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ phục vụ cấp nước tưới tiêu và phòng, chống thiên tai.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, hiện nay, việc tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, như chưa thực hiện được phương thức đấu thầu, đặt hàng công tác quản lý, khai thác; tổng chi phí quản lý, khai thác, bảo trì công trình/đơn vị diện tích phục vụ cao hơn nhiều so với mức giá tối đa Bộ Tài chính quy định; tình trạng thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô; kinh phí khắc phục hạn hán rất lớn, ngân sách địa phương mới đáp ứng một phần... Để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.
“Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố có chức năng, nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, sẵn sàng tham gia đấu thầu khai thác. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị tỉnh, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hướng dẫn thực hiện đặt hàng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng thủy lợi do tỉnh quản lý đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp nêu trên để có thể quản lý, khai thác tốt hơn công trình thủy lợi’’ - ông Ngọc cho biết thêm.