Phụ huynh cần tăng cường biện pháp phòng bệnh hô hấp cho trẻ khi vào mùa

Theo ngành y tế, vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là khi bước vào mùa tựu trường, bệnh hô hấp ở trẻ em thường có xu hướng tăng cao do các yếu tố thời tiết biến động và sự lây lan trong môi trường lớp học. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân và các cơ sở giáo dục cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Trẻ khám và nhập viện tăng

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) ngày 8/10 cho thấy, bệnh hô hấp ở trẻ em đang gia tăng. Hiện có hơn 200 trẻ đang điều trị tại khoa, trong đó có 20 trường hợp nằm ở phòng cấp cứu, chiếm khoảng 10 - 15%.

Tại phòng Cấp cứu, khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 có hơn 20 trẻ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Tại phòng Cấp cứu, khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 có hơn 20 trẻ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Tại phòng Cấp cứu, khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Thị Giang (33 tuổi, ngụ Bình Phước) đang chăm sóc con gái hơn 5 tháng tuổi bị viêm phổi nặng. Chị Giang cho biết, con gái chị nằm điều trị tại phòng Cấp cứu đến nay cũng khoảng 1 tháng.

“Trước đó, bé ho rất ít. Do bé bị sốt liên tục 3 ngày, tôi đưa bé đến bệnh viện ở tỉnh để khám và được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Tới đây, bé được đưa thẳng vào phòng Cấp cứu vì viêm phổi nặng. Nằm điều trị tại đây cũng được một tháng, đến nay tình trạng cũng đỡ hơn rồi”, chị Giang nói.

Còn tại khoa Khám bệnh, rất đông phụ huynh đưa con đi khám vì các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Chị Phan Thị Mỹ Châu (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Chiều hôm qua, khi đi học về bé ho, sốt và người lừ đừ. Tôi đã đặt lịch và sáng nay đưa bé lên bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh. Bác sĩ cho biết, bé bị viêm phế quản”.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thông thường quý 4 hàng năm rơi vào mùa bệnh hô hấp ở trẻ em. Bệnh lý đường hô hấp lây qua đường không khí và trong môi trường tập thể nên thời điểm này, khi trẻ đi học trở lại rất dễ lây lan bệnh.

Trẻ nhập viện trở nặng đa số dưới 3 tuổi.
Trẻ nhập viện trở nặng đa số dưới 3 tuổi.

Trong 2 tuần gần đây, số trẻ đến khám và nhập viện tại khoa tăng khoảng 20 - 25% so với 4 tuần trước đó. Tuy nhiên, năm nay, bệnh hô hấp tăng trễ hơn 2 tuần so với mọi năm. Những bệnh lý phổ biến nhất mà trẻ mắc phải bao gồm viêm phổi, tiểu phế quản và hen suyễn. Một số trẻ nhập viện trong tình trạng hô hấp khó khăn, sốt cao và có trường hợp nặng phải thở oxy hoặc thở máy.

Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, số lượng trẻ em nhập viện do các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm đều có xu hướng gia tăng. Tính đến ngày 6/10/2024, số bệnh nhân viêm tiểu phế quản ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là 4.693 ca, số bệnh nhân viêm phổi là 8.176 ca.

So sánh trong vòng 5 năm (2019 - 2024), số lượng bệnh nhân hô hấp năm 2024 vẫn không có biến động đáng kể, số bệnh nhân viêm tiểu phế quản dao động khoảng 5.000 trường hợp/năm và viêm phổi dao động khoảng 10.000 trường hợp/năm.

Hệ thống giám sát ca bệnh viêm hô hấp của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận, trung bình mỗi tuần toàn thành phố có khoảng 17.000 ca bệnh viêm hô hấp cấp tính; diễn tiến dao động theo mùa, những tuần có số ca viêm hô hấp thấp nhất trong khoảng thời gian tháng 2 đến tháng 3, tuần số ca bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 với hơn 20.000 ca/tuần. Số ca bệnh là trẻ em chiếm khoảng 60% tổng số ca mắc toàn thành phố và có diễn tiến tương tự.

Sẵn sàng công tác thu dung, điều trị

Theo bác sĩ, các bệnh hô hấp thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus và vi khuẩn phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do các siêu vi thông thường như virus hợp bào hô hấp (RSV), Adeno, cúm mùa…

Phụ huynh cần lưu ý các triệu chứng bệnh hô hấp để đưa trẻ đi khám kịp thời.
Phụ huynh cần lưu ý các triệu chứng bệnh hô hấp để đưa trẻ đi khám kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong cho biết, hiện nay chưa phải là thời điểm đỉnh của dịch bệnh hô hấp. Thông thường, đỉnh dịch bệnh hô hấp rơi vào tháng 11. “Để chuẩn bị cho số lượng bệnh tăng, chúng tôi đã sẵn sàng cơ sở vật chất, thuốc men và nhân lực. Đặc biệt, công tác phòng chống lây nhiễm chéo tại khoa cũng được đặt lên hàng đầu”, bác sĩ Phong cho biết thêm.

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho biết, để giải quyết tình trạng quá tải, bệnh viện đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như tăng cường một số phòng khám để tiếp nhận đầy đủ bệnh nhi tới khám, tăng cường điều trị theo dõi ngoại trú, mở rộng các khoa Hô hấp, Nội tổng quát 1, Nội tổng quát 2 để để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các bệnh nhi hô hấp gia tăng trong thời gian sắp tới.

Theo nhận định của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tình hình bệnh hô hấp tại thành phố vẫn đang được kiểm soát tốt, chưa có dấu hiệu bất thường so với các năm trước. Để giải quyết tình trạng quá tải, ngành y tế Thành phố tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành y tế.
Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành y tế.

Theo bác sĩ Phong, trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bởi do hệ miễn dịch trẻ kém; khả năng chống chọi bệnh yếu hơn so với những trẻ lớn tuổi.

“Thông thường trẻ mắc bệnh hô hấp, phụ huynh thường bỏ qua các dấu hiệu ban đầu như ho đàm, sổ mũi, nghẹt mũi… Đây là các triệu chứng nhẹ nhưng nếu chúng ta không đưa trẻ đi khám để có hướng xử trí kịp thời, trẻ dễ diễn tiến nặng. Khi trẻ sốt, khó thở mới đưa đi khám thì lúc này trẻ đã nặng và khó khăn trong điều trị”, bác sĩ Phong lưu ý.

Để phòng ngừa và hạn chế sự gia tăng của các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn này, ngành y tế khuyến cáo người dân và các cơ sở giáo dục cần thực hiện các biện pháp: Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học; các cơ sở giáo dục cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để thông báo kịp thời cho cơ sở y tế.

Phụ huynh cần bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng; trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch; phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế, việc tiêm chủng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Phụ huynh cần phát hiện sớm trẻ mắc bệnh viêm phổi để đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời. Triệu chứng sớm của bệnh viêm phổi là trẻ có ho kèm thở nhanh hơn bình thường. Triệu chứng thở nhanh xuất hiện rất sớm để báo hiệu trẻ bị viêm phổi, sớm hơn các dấu hiệu mà các bác sĩ nghe bằng ống nghe hay chụp X-quang phổi. Khi có các dấu hiệu viêm phổi nặng, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xem xét nhập viện: Thở co lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém hoặc không uống được, tím tái.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Trong trận lũ vừa qua, Bảo Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cán bộ cơ sở mặc dù nhà ở bị ngập lụt, tài sản bị cuốn trôi nhưng vẫn ưu tiên lo cho dân. Họ tạm gác việc nhà, tập trung hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống. Chỉ khi mọi người được an toàn, họ mới trở về lo cho gia đình mình.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, 13 năm làm công tác quản lý, trong đó 6 năm đảm nhiệm vai trò hiệu phó và 7 năm làm hiệu trưởng, dù ở cương vị nào, cô Phạm Thị Khánh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai cũng nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Bằng sự nhạy bén và chuyên môn vững vàng, cô Hường đã xây dựng một tập thể đoàn kết, kiến tạo môi trường giáo dục và học tập hạnh phúc.

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa nhà trường trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục thành phố Lào Cai.

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3, thầy giáo Lý Văn Hoàng (sinh năm 1996) công tác tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng thầy và học trò đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi.

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

fbytzltw