Thắng lớn trên “sân khách”
Thống kê trên trang Box Office Vietnam vào ngày 29/5 cho thấy, không có một bộ phim nội địa nào dành cho thiếu nhi được chiếu rạp. Tất cả phim thiếu nhi đang và sắp công chiếu đều là phim ngoại.
Trong đó đáng chú ý phim “Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu” - bộ phim điện ảnh thứ 43 trong loạt phim điện ảnh Doraemon đang đứng đầu bảng doanh thu phòng vé với trên 77 tỷ đồng.
Phần thứ 43 được đạo diễn bởi Imai Kazuaki - người thực hiện hai phần phim trước đó là “Nobita và đảo giấu vàng” và “Nobita và những bạn khủng long mới”. Phim được công chiếu tại Nhật Bản vào ngày 1/3, tại Việt Nam từ 24/5, là phần phim đầu tiên của thương hiệu “Mèo Ú” lấy chủ đề âm nhạc.
Để chuẩn bị cho buổi hòa nhạc ở trường, Nobita phải tập thổi sáo, trong khi không giỏi khoản này. Bạn bè ở trường, bao gồm cả Jaian và Suneo không ngừng trêu chọc Nobita.
Thế nhưng, một cô bạn kỳ lạ có tên Micca lại bị chinh phục bởi âm thanh kỳ quặc ấy. Micca đã mời Nobita, Doraemon cùng nhóm bạn thân đến với cung điện Farre tại hành tinh sử dụng năng lượng từ âm nhạc.
Với bảo bối mới, Doraemon cùng nhóm bạn giúp Micca tìm ra một “virtuoso” - bậc thầy âm nhạc nhằm cứu lấy cung điện Farre. Thế nhưng, một thế lực bí ẩn và đáng sợ đang nhăm nhe xóa sổ âm nhạc khỏi thế giới.
Đứng thứ 2 phòng vé Việt là phim “Mèo mập mang 10 mạng” đạt trên 15 tỷ đồng. Vị trí thứ 3 vẫn là phim Nhật Bản “Haikyu trận chiến bãi phế liệu” khởi chiếu từ 17/5 với doanh thu gần 11 tỷ đồng. Riêng doanh thu cuối tuần vừa qua của bộ phim này đạt trên 1,4 tỷ với 808 suất chiếu. Đặc biệt, trước đó phim bom tấn “Kung fu Panda 4” được khởi chiếu từ 8/3 có doanh thu trên 136 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở doanh thu, loạt phim thiếu nhi ngoại vẫn đang “xếp hàng” chờ lịch chiếu trong khi không có một phim nội địa nào góp mặt. Thông báo từ các rạp chiếu cho thấy, phim Nhật Bản “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” sẽ khởi chiếu vào ngày 31/5, và được dự đoán sẽ “soán ngôi” phòng vé dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Bên cạnh đó, thương hiệu hoạt hình Hollywood ăn khách nhất tại Việt Nam sẽ trở lại trong phần phim mới “Kẻ trộm Mặt Trăng 4”, dự kiến ra rạp ngày 5/7. “Trư Bát Giới: Đại náo thế giới mới” đến từ Đài Loan cũng góp mặt trong mùa Hè, cùng hàng loạt phim đình đám khác.
Mùa Hè lẽ ra là mùa bội thu của phim nội địa dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, từ lâu phim Việt đã thua trên sân nhà, các vị trí doanh thu và các bảng xếp hạng đều rất hiếm có tên phim Việt.
Theo thống kê chưa đầy đủ, doanh thu phim hoạt hình chiếm khoảng 12 - 15% tổng doanh thu phim chiếu rạp. Tuy nhiên, trong top 10 phim ăn khách nhất rạp Việt năm 2023, ngoài các phim điện ảnh trong nước dành cho người lớn thì phim hoạt hình vẫn không nằm trong danh sách bình chọn.
Những tác phẩm ngoại, như “Elemental - Xứ sở các nguyên tố” (97 tỷ đồng, là phim có doanh thu cao nhất ở Việt Nam), “Conan: Tàu ngầm sắt màu đen” (96 tỷ đồng, trở thành phim anime ăn khách nhất từ trước đến nay ở Việt Nam), “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng” (84 tỷ đồng, doanh thu cao nhất trong series phim hoạt hình về mèo máy thông minh)…
Trong năm 2023, bộ phim nổi tiếng mang thương hiệu “made in Vietnam” là “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” ra mắt trên các cụm rạp toàn quốc. Tuy nổi tiếng khắp thế giới, song bộ phim lại chỉ có doanh thu khiêm tốn trong nước khi cán đích 5 tỷ đồng.
Phim Việt chờ “góp gió thành bão”
Trong khi phim thiếu nhi ngoại vẫn độc chiếm rạp Việt, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phim nội địa có chỗ đứng, có người xem và có doanh thu? Câu hỏi được giới làm phim đặt ra từ lâu, nhưng đến nay ngay cả việc “lấp khoảng trống” cũng chưa thể thực hiện.
Câu hỏi này được lặp lại trong cuộc trò chuyện “Tương lai của phim hoạt hình Việt Nam” của Xinê House khi giới sản xuất phim hoạt hình đặt ra câu hỏi: Hoạt hình Việt Nam phát triển cả về nhân lực lẫn kỹ thuật, nhưng tại sao không làm nổi một phim chiếu rạp?
Theo đạo diễn Lê Huy Anh, hoạt hình Việt Nam hiện có nguồn nhân lực mạnh với nhiều người trẻ đã tham gia những dự án hoạt hình quốc tế, có trình độ kỹ thuật đẳng cấp thế giới thông qua quá trình hợp tác với nước ngoài. Có những phim mà nếu chỉ xét về kỹ thuật, khán giả không phân biệt được là phim Việt Nam hay quốc tế.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là quan niệm và kinh phí. Giới sản xuất phim hoạt hình Việt vẫn giữ quan niệm phim hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi, trong khi thế giới sản xuất phim cho cả người lớn. Về kinh phí, một phim hoạt hình 10 phút lên tới hàng trăm triệu đồng.
Muốn áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, phải đầu tư tiền tỷ. Trong điều kiện tối thiểu, phải mất khoảng 100 - 200 triệu đồng để hoàn thành một phim hoạt hình 3D dài 5 - 7 phút. Do đó, dù biết sân chơi còn khoảng trống lớn nhưng không ai mạo hiểm bỏ tiền tỷ để nhận về rủi ro.
Tuy nhiên, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng tự tin cho rằng, các nhà sản xuất nên lạc quan, như “Wolfoo” do những người trẻ Việt Nam sản xuất được Sconnect phát hành từ năm 2018 và đang được phát tại các nền tảng mạng xã hội, truyền hình tại nhiều quốc gia.
Mới đây, Sconnect tổng kết đã có 4,25 tỷ lượt truy cập hằng tháng trên YouTube và Facebook với 185 triệu lượt đăng ký và theo dõi, trên 400 nút vàng, nút bạc YouTube cùng 3 nút kim cương dành cho “Wolfoo”.
Là người làm nghề, nhìn nhận rõ những chướng ngại chưa thể vượt qua, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng hy vọng ngành hoạt hình Việt được nhìn nhận một cách khách quan đầy đủ hơn.
Đây là một ngành phát triển trong tương lai cùng với xu hướng của thế giới, tuy nhiên không phải “ngày một ngày hai” là làm được ngay mà cần thời gian để thực hiện, để thất bại và trưởng thành.
“Thương hiệu hoạt hình Việt đang dần được định vị, nhưng muốn có một cú bật nhảy trong tương lai thì cần “góp gió thành bão”, nhiều thế hệ, nhiều cá nhân cùng kết nối, chia sẻ. Thị trường phim hoạt hình, phim dành cho thiếu nhi đúng là “mỏ vàng”, nhưng khi chúng ta chưa đủ tiềm lực, tài năng, kỹ thuật, công nghệ... thì việc phim ngoại độc chiếm phòng vé cũng là chuyện dễ hiểu” - Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng