Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo các nghị quyết HĐND tỉnh giao là 6.404 tỷ đồng, đến nay giá trị giải ngân đạt 1.819 tỷ đồng, bằng 28,3% kế hoạch. Đối với nguồn vốn năm 2023 theo Quyết định số 1513 ngày 3/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao là 5.341 tỷ đồng, đến nay giá trị giải ngân đạt 1.801 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5/2023, Lào Cai nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước (trung bình cả nước đạt 19,7%) và đứng đầu trong các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía bắc.
Đối với công tác giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đến thời điểm hiện đã giải ngân được 225,2/873,3 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách Trung ương giao, bằng 26% kế hoạch; vốn sự nghiệp hiện giải ngân được 15,3/998,5 tỷ đồng, bằng 1,5% kế hoạch.
Về mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, tổng kinh phí mua sắm tài sản năm 2023 là 527,9 tỷ đồng, đến nay các cơ quan, đơn vị đang thực hiện thủ tục tư vấn cấu hình, thẩm định giá, đấu thầu, chưa có đơn vị nào thực hiện thanh toán giải ngân (tỷ lệ giải ngân bằng 0%).
Về tháo gỡ khó khăn trong công tác nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình giao thông đã hoàn thành, đang triển khai, đại diện Sở Giao thông vận tải - Xây dựng cho biết: Đơn vị đã làm việc với các địa phương và thống nhất phương án rà soát, bổ sung rãnh dọc gia cố và biển báo hiệu đường bộ đối với một số công trình chưa đảm bảo; thống nhất phương án xử lý vướng mắc trong công tác quản lý chất lượng, thi công, nghiệm thu các công trình giao thông đã hoàn thành, đang triển khai.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương cũng tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân các nguồn vốn và triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là quyết liệt, quyết tâm, sát sao, cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải ngân các nguồn vốn. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, loại bỏ tâm lý sợ chịu trách nhiệm trong triển khai các nhiệm vụ. Đồng thời, cần chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong khâu rà soát, tháo gỡ khó khăn vì lợi ích chung. Khi có vướng mắc, các sở, ngành phải nghiên cứu, trả lời rõ quan điểm bằng văn bản và hướng dẫn cách làm để địa phương triển khai. Đề nghị các địa phương đăng ký tiến độ giải ngân các nguồn vốn theo từng tháng, đối với 2 tháng cuối cần đăng ký tiến độ thực hiện theo chu kỳ 15 ngày/lần.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Giải ngân các nguồn vốn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì vậy, càng khó khăn chúng ta càng phải đoàn kết, cố gắng, trách nhiệm, trăn trở, thống nhất từ trên xuống dưới, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn vì sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn phê bình Chủ tịch UBND huyện Mường Khương, Si Ma Cai, thành phố Lào Cai vì tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản dưới mức trung bình của toàn quốc; phê bình Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai không giải ngân được vốn mua sắm thiết bị (hơn 140 tỷ đồng); nhắc nhở lần 1 với Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát và Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh vì tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của tỉnh. Đồng thời, biểu dương Chủ tịch UBND các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn và thị xã Sa Pa đã cố gắng để có kết quả giải ngân trên mức trung bình của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng nguyên nhân của việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp và công tác mua sắm thiết bị y tế, giáo dục, dạy nghề là do tinh thần trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao, đặc biệt là vai trò của những người đứng đầu. Nhiều lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị không nắm chắc tình hình triển khai thực hiện, chỉ tập trung nêu khó khăn, vướng mắc mà không đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Công tác hướng dẫn của các sở, ngành không đi vào trọng tâm dẫn đến quá trình triển khai chậm trễ.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài chủ trì họp với các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng. Đối với vốn đầu tư công, dứt khoát phải giải ngân hết vốn chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023. Sở Kế hoạch và Đầu tư ủy quyền cho các địa phương phê duyệt các công trình sắp xếp dân cư. Trường Cao đẳng Lào Cai khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để giải ngân vốn… Đề nghị các địa phương nỗ lực triển khai giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đến ngày 15/7 các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, thành phố Lào Cai giải ngân thêm ít nhất 20% vốn; huyện Bắc Hà, Bát Xát giải ngân tối thiểu 15%; huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, thị xã Sa Pa giải ngân trên 10%. Bắt đầu từ ngày 15/7 trở đi, duy trì tốc độ giải ngân trên 10%. Phấn đấu giải ngân hết nguồn vốn xây dựng cơ bản trong năm 2023.
Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung rà soát những khó khăn, vướng mắc để đề xuất phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn và khó khăn trong công tác mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và dạy nghề năm 2023; tháo gỡ khó khăn trong công tác nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình giao thông đã hoàn thành, đang triển khai; tháo gỡ khó khăn về phòng cháy, chữa cháy khi thực hiện các công trình, dự án.