Trong chuyến công tác gần đây tại xã Lùng Thẩn, tôi được ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã mời nếm thử hạt dẻ và giới thiệu đây là sản phẩm của địa phương. So với loại hạt dẻ tôi đã từng ăn, thì hạt dẻ ở đây có vị ngọt, bùi, thơm ngậy khác biệt. Điều này khiến tôi bán tín bán nghi, vì thứ hạt này thường chỉ nhập ngoại mà nay lại được trồng ở huyện vùng cao này. Để giải đáp thắc mắc, tôi đã cùng đồng chí lãnh đạo xã lên nương “mục sở thị” về loài cây với thứ quả đặc biệt này.
Theo lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch UBND xã, tôi đến thăm gia đình ông Hảng Seo Vểnh và ông Hảng Seo Sình, thôn Seng Sui - đây là những hộ đầu tiên trồng cây dẻ ở địa phương. Theo lời kể của ông Vểnh và ông Sình, từ rất nhiều năm trước, một số hộ dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã đưa cây dẻ về trồng trên đất nương, đồi để lấy hạt làm thực phẩm và gỗ phục vụ cuộc sống. Hiện nay, lứa cây từ thời các cụ trồng đã già cỗi, nhiều cây chết nên phải chặt lấy gỗ. Thế hệ ông Vểnh, ông Sình đã gieo ươm và trồng thành công cây dẻ, hiện mỗi năm, 1 cây cho thu từ 10 - 12 kg/hạt, giá bán 60.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập thêm đáng kể cho gia đình.
Trong khu đồi nhà ông Sình có những cây dẻ đã 10 năm tuổi, cao chừng 7 - 8 m, tán rộng, đầu cành trĩu quả với hình dạng bên ngoài giống như quả chôm chôm xanh, lớp vỏ xù, lông nhọn khá cứng. Vừa nhặt hạt dẻ rụng dưới gốc cây, ông Hảng Seo Sình vừa chia sẻ: Loại cây này dễ trồng, chỉ cần gieo hạt xuống là mọc, cây đến năm thứ 5 - 6 là cho thu hoạch quả.
Cây dẻ đã được trồng thành vùng và cho giá trị kinh tế cao ở một số địa phương của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn… , nơi có khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với một số huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai. Loài cây này phù hợp với đất đồi rừng, có khả năng chịu hạn tốt, chịu được điều kiện thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều, dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuổi thọ của cây dẻ khá cao, có thể khai thác đa giá trị, như vừa lấy hạt vừa lấy gỗ, kết hợp với du lịch sinh thái nâng cao thu nhập cho người dân. Khoảng tháng 9 đến tháng 10 hằng năm là vào vụ thu hoạch hạt dẻ, mỗi quả thường có từ 2 - 3 hạt, một cây có thể cho vài chục kg hạt. Hạt dẻ là thực phẩm được nhiều người ưa chuộng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, hương vị thơm, ngon, chế biến được nhiều món ăn và có tác dụng làm thuốc.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ vận dụng linh hoạt các nguồn lực xã hội, phối hợp với một số đơn vị, địa phương hỗ trợ trồng khoảng 30 ha cây dẻ tại một số xã của huyện Si Ma Cai. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dẻ để cây phát triển tốt, đảm bảo tính phòng hộ sinh thái, tạo thành vùng nguyên liệu với sản phẩm hạt dẻ, giúp người dân có nguồn thu ổn định, phát triển rừng bền vững.