Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các địa phương, đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh; đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà đầu tư du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã luôn chú trọng phát triển nền Đông y trên cơ sở phát huy những tiềm năng lợi thế của tỉnh về khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với nhiều loài cây dược liệu quý, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Những năm gần đây, các sản phẩm dược liệu của Lào Cai kết hợp với mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dược liệu tại các địa phương như Sa Pa, Bắc Hà đã tạo cơ hội phát triển, mở rộng quy mô sản xuất dược liệu đối với đồng bào các dân tộc, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần phát triển, kinh tế, xã hội của địa phương.
Tại hội nghị đã thông qua dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Lào Cai có kế hoạch tập trung xây dựng 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch là: Du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền; du lịch thẩm mỹ bằng y dược cổ truyền; du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền; du lịch khám phá y dược cổ truyền và văn hóa bản địa; du lịch học thuật y dược cổ truyền.
Bên cạnh đó, xây dựng mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền, tăng cường sử dụng các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền tại khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, khu nghỉ dưỡng, khách sạn có tiềm năng... đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao tham gia vào hệ thống cung ứng các dịch vụ, sản phẩm y, dược cổ truyền phục vụ khách du lịch...
Một trong những nội dung cụ thể là: Năm 2025, Lào Cai sẽ hình thành các điểm về du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền tại các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập (có thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền) và các cơ sở chăm sóc sức khỏe tiềm năng tham gia cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe bằng y dược cổ truyền như: Khách sạn, Spa, cơ sở nghỉ dưỡng, cơ sở xông hơi xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu... với khoảng 6 cơ sở trở lên; ưu tiên xây dựng Trung tâm chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; có khám chuyên gia trong và ngoài nước, cung cấp các sản phẩm y dược cổ truyền. Đến năm 2030 sẽ hình thành chuỗi cung ứng về du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố với trên 10 cơ sở tham gia cung ứng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận, góp ý hoàn thiện các nội dung dự thảo Kế hoạch Triển khai Đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền đến năm 2030.