Đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai:

Phát sinh khó khăn trong giải phóng mặt bằng

LCĐT - Dự án đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 147 km, do Ngân hàng châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ, chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, đoạn nằm trên địa phận huyện Văn Bàn dài 64 km, thuộc các gói thầu XL01, XL02 và XL03 (đi qua các xã Nậm Xé, Minh Lương, Thẳm Dương, Dương Quỳ, Hòa Mạc, thị trấn Khánh Yên, Sơn Thủy, Khánh Yên Thượng, Làng Giàng và Tân Thượng). Tính đến thời điểm hiện tại, dự án ảnh hưởng đến hơn 1.750 hộ, đơn vị; 1.621 hộ có đất bị thu hồi và gần 120 hộ phải di chuyển đến nơi ở mới.

Theo đánh giá của huyện Văn Bàn, các địa phương nơi tuyến đường đi qua đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trong triển khai đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc.

Bản đồ quy hoạch một đoạn đường đi qua xã Dương Quỳ.
Bản đồ quy hoạch một đoạn đường đi qua xã Dương Quỳ.

Như tại xã Dương Quỳ có hơn 5 km đường của dự án  đi qua, trong đó đoạn mở mới để tránh trung tâm xã dài 2 km, 233 hộ thuộc 4 thôn bị ảnh hưởng, với 52 hộ phải di chuyển nhà ở. Ông Hà Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Dương Quỳ cho biết: Trong số các hộ thuộc diện phải di chuyển nhà ở có nhiều hộ chưa hoàn thiện thủ tục xác định nguồn gốc đất, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên thiếu căn cứ để thực hiện các quy định về đền bù giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, để di chuyển các hộ bị ảnh hưởng, xã cần xây dựng khu tái định cư, tuy nhiên đến nay chưa thể triển khai vì thiếu kinh phí.

Đã nhiều ngày nay, vợ chồng ông Lê Văn Thùy (thôn Tông Pháy, xã Dương Quỳ) rất lo lắng bởi thông tin gia đình thuộc diện phải di chuyển nhà ở vì gia đình anh chưa hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi khu đất đang làm nhà sang đất ở nông thôn, nên nếu áp theo các quy định về giải phóng mặt bằng hiện hành thì sẽ rất thiệt thòi. Bên cạnh đó, gia đình anh sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi, nếu phải di chuyển đến khu tái định cư sẽ khó khăn trong việc phát triển kinh tế nên anh mong Nhà nước có phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp.

Tương tự, xã Hòa Mạc có 228 hộ ở 4 thôn bị ảnh hưởng do tuyến đường đi qua, trong đó có 18 hộ phải di chuyển nhà. UBND xã đã triển khai kiểm đếm tài sản, hoa màu, xác định ranh giới và thông báo đến từng hộ về phương án giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, có một số hộ chưa nhất trí với phương án thống kê, áp giá đền bù giải phóng mặt bằng.

Ông Ma Xuân Hương ở thôn Trung Đoàn, xã Hòa Mạc có nhà trong khu vực giải phóng mặt bằng và phải di chuyển đến nơi ở mới. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã kiểm đếm, thống kê tài sản, hoa màu của gia đình ông. Tuy nhiên, theo phương án mà cơ quan chức năng đưa ra thì gia đình ông chỉ được đền bù nhà, còn bếp và công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi không được vì không nằm trong ranh giới giải phóng mặt bằng. “Giờ nếu di chuyển nhà ra khu tái định cư thì phải bỏ lại các hạng mục đó, điều này gây thiệt hại không nhỏ cho gia đình tôi”, ông Hương nói.

Được biết, tham gia Dự án đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, huyện Văn Bàn được Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư. Huyện đã phối hợp với ngành chức năng lập bản đồ địa chính, xây dựng phương án đơn giá thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và chuẩn bị các khu tái định cư. Tính đến ngày 11/10, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã tổ chức kê khai, kiểm đếm xong toàn tuyến để đề nghị UBND huyện ban hành thông báo thu hồi đất cho 1.330/1.621 hộ, các hộ còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ… Trong quá trình triển khai đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ giải phóng mặt bằng chậm.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Văn Bàn, khó khăn, vướng mắc phát sinh là trong thiết kế ban đầu của dự án được duyệt, hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng có tổng kinh phí đầu tư hơn 115 tỷ đồng, nhưng đến nay phát sinh lên khoảng 358,2 tỷ đồng. Cùng với đó, dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng các khu tái định cư và kinh phí thực hiện, trong khi huyện cần xây dựng 4 khu tái định cư tại các xã Hòa Mạc, Dương Quỳ, Thẳm Dương, Minh Lương với kinh phí hơn 51 tỷ đồng; nếu không được cấp kinh phí kịp thời thì việc di chuyển hơn 120 hộ sẽ gặp khó. Một vấn đề khác cũng đặt ra là tại các địa phương nơi tuyến đường đi qua có nhiều hộ không nằm trong mốc và cũng không thuộc diện phải di dời nhà ở, nhưng trên thực tế, sau khi tuyến đường hoàn thành thì các hộ này nằm sát hành lang đường, không đảm bảo an toàn từ khâu thi công đến khi vận hành đường. Đối với những hộ này, huyện vẫn chưa biết phải tính toán giải phóng mặt bằng như thế nào.

Khi triển khai Dự án đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ có 1.621 hộ có đất bị thu hồi và gần 120 hộ phải di chuyển đến nơi ở mới.
Khi triển khai Dự án đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ có 1.621 hộ có đất bị thu hồi và gần 120 hộ phải di chuyển đến nơi ở mới.

“Ngoài ra, hiện nay dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 32,46 ha rừng sản xuất, rừng tự nhiên và đặc dụng nơi tuyến đường đi qua và Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) cũng chưa bổ sung các vị trí đổ thải (18 vị trí) để thống nhất phương án thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ… nên huyện Văn Bàn chưa thể triển khai phương án giải phóng mặt bằng đối với diện tích này”, ông Tuấn cho biết thêm.

Ông Lê Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: Trước những phát sinh trong giải phóng mặt bằng, UBND huyện đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng các khu tái định cư và chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng; cho phép sử dụng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng trước 4 khu tái định cư…

Theo kế hoạch, Dự án đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được triển khai trong 30 tháng, hiện công tác giải phóng mặt bằng đang chậm so với tiến độ đề ra. Với các giải pháp cụ thể, cùng sự chủ động của UBND huyện, sự đồng thuận của người dân, hy vọng tuyến đường sẽ sớm hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Tây Bắc.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Để người dân quan tâm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Để người dân quan tâm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh khoảng 150 tấn/năm, bao gồm thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ và các chất kích thích sinh trưởng, trong đó các loại thuốc có nguồn gốc hóa học chiếm khoảng 93%, thuốc có nguồn gốc sinh học chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 7%). Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong thời gian dài để lại những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống.

Khởi động Dự án GREAT 2 Lào Cai

Khởi động Dự án GREAT 2 Lào Cai

Sáng 8/5, UBND tỉnh phối hợp với Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam tổ chức Lễ khởi động Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tỉnh Lào Cai (Dự án GREAT 2 Lào Cai).

Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật

Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật

Trước tình trạng số thịt gia súc giết mổ được đóng dấu kiểm soát giết mổ bán trên thị trường chiếm tỷ lệ thấp trên tổng số gia súc được giết mổ để kinh doanh, UBND tỉnh đã có văn bản về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

fb yt zl tw