Sáng 18/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Trần Hồng Hà.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. |
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cụ thể như sau: tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1 triệu 173 nghìn tỷ đồng; trong đó, tổng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 955 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất là 2 triệu 445 tỷ đồng, trong đó, tổng tài sản của công ty mẹ là 1 triệu 636 nghìn tỷ đồng; đến ngày 31/12/2021, đã đầu tư vào tài sản dài hạn là 1 triệu 36 nghìn tỷ đồng.
Năm 2023, tổng hợp kế hoạch do 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng, tổng vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất, cụ thể: tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1 triệu 168 nghìn tỷ đồng và phần quỹ chưa điều chuyển khoảng 8 nghìn tỷ đồng là khoảng 1 triệu 176 nghìn tỷ đồng (năm 2023 sẽ điều chuyển về các quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo quy định). Tổng tài sản hợp nhất là 2 triệu 459 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2 nghìn tỷ đồng so năm 2022 (do hình thành mới tài sản từ nguồn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty).
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự hội nghị. |
Nguồn vốn và tài sản nêu trên phân bổ tại 19 tập đoàn, tổng công ty và 479 công ty con và 368 công ty liên kết, tập trung vào 5 lĩnh vực chính, 16 ngành kinh tế kỹ thuật có tính chất, đặc điểm khác nhau của nền kinh tế. Hiệu quả hàng năm được duy trì. Tuy nhiên, phân bổ không đều, lợi nhuận chủ yếu tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty như: Petrolimex, Mobifone, ACV, VIMC, Vinachem, Vinataba, SCIC… (ROE hợp nhất trung bình giai đoạn 2021-2025 đều trên 10% trong khi các doanh nghiệp còn lại đạt dưới 10%). Đầu tư thời gian qua tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng (chiếm khoảng 80%), hạ tầng giao thông (chiếm hơn 10%) với nguồn vốn đan xen (vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay, vốn đầu tư công).
Theo đánh giá của Ủy ban, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Tính đến năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty đã đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực quan trọng, cụ thể; bảo đảm khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt. Về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đã cung cấp 242,7 tỷ kWh điện, 10,84 triệu tấn dầu thô, 8,08 tỷ m3 khí, 42,2 triệu tấn than sạch, 13,76 triệu m3 xăng dầu, 5,78 triệu tấn Alumin; vận chuyển 124,7 triệu lượt hành khách, 131 triệu tấn hàng hóa…
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Mặc dù chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau bởi dịch Covid-19 và những biến động phức tạp trong khu vực và quốc tế, có doanh nghiệp bị lỗ, giảm vốn chủ sở hữu, nhưng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và các nhiệm vụ chính trị được giao. Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm đều tăng trưởng. Năm 2022, tổng doanh thu đạt 1 triệu 598 nghìn tỷ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 319 nghìn tỷ đồng), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83 ngàn 167 tỷ đồng (năm 2021 đạt 67 nghìn 478 tỷ đồng), tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191 nghìn 781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177 nghìn 211 tỷ đồng).
Hoạt động đầu tư được các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh thực hiện; trong đó có nhiều dự án đầu tư lớn, quan trọng có tính kết nối, lan tỏa, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, xã hội; đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Quang cảnh hội nghị. |
Giai đoạn 2016-2020, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thực hiện tổng vốn đầu tư là 976 nghìn 636 tỷ đồng; trong đó, 633 nghìn 060 tỷ đồng vốn tự có (67,4%), 298 nghìn 384 tỷ đồng vốn vay (31,8%), 7 nghìn 206 tỷ đồng vốn khác (0,8%). Giai đoạn 2018-2022 (chuyển về UBQLV), 19 tập đoàn, tổng công ty đã phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B; tích cực triển khai đầu tư theo kế hoạch; một số đã đạt giá trị đầu tư khá lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone,...
Năm 2022, hợp nhất các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện đầu tư đạt gần 156 nghìn 500 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực năng lượng (điện, than) đạt gần 126 nghìn tỷ đồng (chiếm 80,47%), xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, logistics) đạt gần 16 nghìn tỷ đồng (chiếm 10,61%), viễn thông và công nghệ thông tin (VNPT, MobiFone) đạt gần 12 nghìn 500 tỷ đồng (chiếm 7,88%), sản xuất công nghiệp đạt 650 tỷ đồng (chiếm 0,42%), vận tải hành khách (hàng không, hàng hải) đạt 83 tỷ đồng (chiếm 0,05%), sản xuất nông, lâm nghiệp (giống lâm nghiệp, chế biến gỗ, chế biến nông sản, trồng cà- phê) đạt 897 tỷ đồng (chiếm 0,57%). Một số tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, kết hợp sản xuất, kinh doanh với góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam...
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Chúng ta tổ chức hội nghị này để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh phục vụ cho phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. - Thủ tướng Phạm Minh Chính - |
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong không khí triển khai Nghị quyết Đại hội Các đại biểu tham dự hội nghị lần thứ XIII của Đảng, nhất là triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, thời gian đã sắp hết quý I, chúng ta tổ chức hội nghị này để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh phục vụ cho phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, sau 5 năm thực hiện chủ trương thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chúng ta đã sơ kết và báo cáo Bộ Chính trị; đến nay cần đánh giá lại xem Ủy ban và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã hoạt động như thế nào, kết quả ra sao, có những gì cần đổi mới, để từ đó đề ra giải pháp trọng tâm cho thời gian tới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng hơn những việc đã làm được, chưa làm được, bài học kinh nghiệm, sắp tới cần làm gì để nâng cao kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; phải nghiên cứu Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp” để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác này thời gian tới. Thủ tướng đánh giá, trong hơn 2 năm chống dịch Covid-19 vừa qua, bước sang năm 2023, về tổng thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thị trường lao động được phục hồi; an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, công tác đối ngoại được đẩy mạnh và tăng cường… Trong thành tích chung của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, có vai trò đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề sản xuất, kinh doanh, đóng góp ngân sách, tạo việc làm.
Đại diện lãnh đạo Ban quản lý vốn Nhà nước trình bày báo cáo tại hội nghị. |
Chúng ta đều thấy rằng, đến cuối năm 2022, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ khoảng 63% (1.173 nghìn tỷ đồng) tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước và nắm giữ khoảng 65% (2.445 nghìn tỷ đồng) tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Qua số liệu này cho thấy, dư địa phát triển của doanh nghiệp nhà nước là rất lớn nhưng đóng góp chưa thực sự tương xứng với nguồn vốn chủ sở hữu và tổng tài sản các doanh nghiệp đang nắm giữ. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải thực hiện hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, thảo luận từ kinh nghiệm 5 năm vừa qua, có được những bài học quý để tiếp tục phát huy, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc để tháo gỡ, dự báo những khó khăn, thách thức để vượt qua nhất là trong giai đoạn hiện nay; trong đó, hai chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải hỗ trợ nhau hiệu quả.
Đến cuối năm 2022, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ khoảng 63% (1.173 nghìn tỷ đồng) tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước và nắm giữ khoảng 65% (2.445 nghìn tỷ đồng) tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Qua số liệu này cho thấy, dư địa phát triển của doanh nghiệp nhà nước là rất lớn nhưng đóng góp chưa thực sự tương xứng với nguồn vốn chủ sở hữu và tổng tài sản các doanh nghiệp đang nắm giữ. - Thủ tướng Phạm Minh Chính - |
Thủ tướng đề nghị các đại biểu có báo cáo, tham luận tìm ra được mô hình tổ chức hoạt động của Ủy ban; nêu tình hình liên quan các thể chế, cơ chế, chính sách để các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động hiệu quả hơn; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp như thế nào để bảo đảm hiệu quả; vấn đề quản trị kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ như thế nào trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu… là những vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa đối với nền kinh tế, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến chất lượng; Ban tổ chức tập hợp để ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hoặc Nghị quyết của Chính phủ để nâng cao hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn hiện nay để phục hồi nhanh, phát triển bền vững.