LCĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 24 mục tiêu đến năm 2025, trong đó có mục tiêu về tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 60%. Ngành lâm nghiệp xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi nỗ lực rất lớn mới có thể hoàn thành. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
![]() |
Cán bộ kiểm lâm kiểm tra rừng trồng ở xã Bảo Hà (Bảo Yên). |
Phóng viên: Kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ che phủ rừng của Lào Cai đạt 56,01%. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 60%. Vậy, việc thực hiện mục tiêu này sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vĩnh: Để tăng thêm 4% độ che phủ rừng tức là cần tăng thêm 25.456 ha rừng có đủ tiêu chí là rừng. Thông thường, để đủ tiêu chí thành rừng từ khi trồng cần mất khoảng 3 - 5 năm, thậm chí đến 7 năm tùy thuộc vào loài cây trồng và điều kiện đất đai, lập địa, thời tiết, điều kiện chăm sóc, bảo vệ…; để khoanh nuôi thành rừng cũng phải mất khoảng 3 - 4 năm.
Nhìn lại năm 2010, tỷ lệ che phủ rừng của Lào Cai là 49,5%, tương đương 315.020 ha rừng. Đến năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng là 53,3%, tương đương 339.203 ha rừng. Trong 5 năm (2010 - 2015), tỷ lệ che phủ rừng tăng 3,8%. Hết năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của Lào Cai đạt 56,01%, tương đương 356.450 ha rừng, tăng 17.247 ha rừng so với năm 2015, giai đoạn này tỷ lệ che phủ rừng tăng 2,71% so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, dư địa cho phát triển, mở rộng diện tích rừng ngày càng khó khăn. Đến năm 2020, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 429.000 ha. Tuy nhiên, theo định hướng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp sẽ giảm còn 417.000 ha (sẽ loại bỏ diện tích đất không đủ điều kiện phát triển rừng, đồng thời dành quỹ đất cho phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội khác). Do đó, quỹ đất dành cho phát triển rừng chỉ còn khoảng 60.000 ha, nhưng đây chủ yếu là diện tích tại những nơi vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ và khó trồng rừng.
Với những số liệu và phân tích ở trên cho thấy, để hoàn thành được mục tiêu cần có quyết tâm lớn. Ngoài việc tăng 25.456 ha rừng mới còn cần quản lý, bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng hiện có của tỉnh, đồng thời hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Phóng viên: Ngoài những khó khăn nói trên thì nguồn lực đầu tư trồng rừng có phải là một trở ngại, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vĩnh: Theo quy định của Luật Lâm nghiệp thì Nhà nước đầu tư trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế nên hầu như trong các giai đoạn trước cũng chỉ đáp ứng được một phần để trồng rừng đặc dụng, phòng hộ, còn việc hỗ trợ trồng rừng sản xuất rất hạn chế. Đối với Lào Cai, trong giai đoạn 2016 - 2020, do nguồn kinh phí Trung ương cấp không đủ nên chỉ hỗ trợ trồng rừng sản xuất được 3 năm (2016 - 2018), riêng năm 2019 và năm 2020 tỉnh chủ trương xã hội hóa trồng rừng sản xuất.
Sau 2 năm thực hiện xã hội hóa trồng rừng sản xuất, dù đạt được một số kết quả (năm 2019 trồng được 2.185 ha, năm 2020 trồng được 3.957 ha) nhưng qua theo dõi và đánh giá, việc trồng rừng xã hội hóa chỉ thành công đối với cây quế và ở vùng thấp, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay, người dân những khu vực này đã chủ động đầu tư trồng rừng, hiện cơ bản không còn quỹ đất trống. Đối với những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số thì rất khó thực hiện do tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao, người dân chưa có vốn tích lũy để đầu tư trồng rừng.
Do đó, nếu trong thời gian tới không có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thì rất khó khăn cho thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 60%.
Phóng viên: Những giải pháp mà tỉnh Lào Cai cần triển khai để hoàn thành mục tiêu tăng tỷ lệ che phủ rừng đặt ra là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vĩnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo trình Chính phủ kế hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, trong đó giữ nguyên độ che phủ là 42%. Tỉnh Lào Cai ban đầu dự kiến độ che phủ là 57% (tức là tăng khoảng 1%) để phù hợp với khả năng đầu tư, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu về mặt môi trường, sinh thái của tỉnh (với mục tiêu này thì tỷ lệ che phủ rừng của Lào Cai vẫn cao hơn mục tiêu chung cả nước 15%). Tuy nhiên, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra và quyết nghị mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 60%.
![]() |
Người dân Bảo Yên chăm sóc rừng trồng. Ảnh: Kim Thoa |
Đây là mục tiêu, nhiệm vụ khó, muốn thực hiện được cần có quyết tâm chính trị rất cao, có sự lãnh đạo và chỉ đạo tập trung, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã, đến các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, đồng thời tính toán các chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện từng năm.
Tỉnh ủy cần ban hành đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ rừng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị triển khai thực hiện đề án, nghị quyết chuyên đề về trồng rừng giai đoạn 2021 - 2025. Đây là “kim chỉ nam” làm cơ sở huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng thực hiện mục tiêu này.
HĐND tỉnh cần ban hành chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trong đó tập trung vào bảo vệ diện tích rừng hiện có; khoanh nuôi tái sinh rừng; đầu tư trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Đồng thời, xây dựng chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào chuỗi giá trị quế, gỗ và lâm sản dưới tán rừng. Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách địa phương cũng cần bố trí để thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Phóng viên: Ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, ngành lâm nghiệp sẽ ưu tiên triển khai những nhiệm vụ nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vĩnh: Ngay từ năm 2021, bên cạnh việc duy trì ổn định, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, toàn tỉnh phải trồng được 9.450 ha rừng; khoanh nuôi 5.000 ha rừng, trong đó khoanh nuôi mới 2.450 ha. Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngành lâm nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương rà soát toàn bộ quỹ đất trống có khả năng phát triển lâm nghiệp trên địa bàn; đưa diện tích có cây rừng tái sinh đủ điều kiện vào khoanh nuôi mới; chuẩn bị đất trồng rừng năm 2021 - 2022. Chuẩn bị đủ cây giống trồng rừng vụ xuân - hè 2021 và cả năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng sẽ được chú trọng, đồng thời tăng cường chăm sóc rừng để đảm bảo đưa diện tích khoanh nuôi và trồng mới sớm đủ tiêu chí là rừng.
Ngành lâm nghiệp cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân trồng cây phân tán, cây đô thị, cây ven đường… hưởng ứng phong trào trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Nam (thực hiện)