Xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng) không phải là vùng chuyên canh hoa lớn của tỉnh nhưng lại là vùng trồng hoa khá lâu năm. Vào vụ hoa tết hằng năm, nhiều hộ ở đây tất bật xuống giống, chăm sóc để có hoa cung cấp cho thị trường. Vụ hoa tết năm nay, người dân xã Thái Niên vẫn trồng các loại hoa thế mạnh của địa phương và được người tiêu dùng ưa chuộng như cúc vàng, lay ơn, đào cảnh…
Tại thôn Hải Niên, nông dân chủ yếu trồng hoa lay ơn đỏ và lay ơn địa phương. Đã gần 20 năm trồng hoa lay ơn để bán dịp tết, năm nào cũng vậy, cứ cuối tháng 9 âm lịch là ông Lê Thế Hòa lại tập trung lao động trong gia đình để làm đất, xuống giống hoa lay ơn. Ông Hòa chia sẻ: "Với 6 sào đất, mỗi năm tôi trồng khoảng 30.000 củ giống hoa lay ơn. Với giá bán tại vườn khoảng 6.000 - 8.000 đồng/cành, tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng/vụ".
Theo các hộ trồng hoa lay ơn có nhiều kinh nghiệm tại xã Thái Niên, vụ hoa tết thường bắt đầu xuống giống từ giữa tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch. Thời gian sinh trưởng của hoa có độ dao động khá lớn, có thể sớm hoặc muộn hơn so với dự kiến khoảng 5 - 20 ngày. Sự dao động về ngày nở của hoa chủ yếu do yếu tố thời tiết. Nếu trời ấm đều thì hoa sẽ nở sớm, nếu trời rét thì hoa nở muộn. Tùy vào diễn biến của thời tiết, người trồng hoa lay ơn sẽ có sự điều chỉnh các khâu chăm sóc để cho hoa nở đúng dịp tết.
Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Cường ở thôn Múc thì nghề “hái ra tiền” dịp tết lại là kinh doanh đào thế. Thời điểm này, gia đình ông đang tăng cường nhân lực để vặt lá kích thích đào nảy nụ đúng dịp tết. Gia đình ông có khoảng 600 gốc đào, trong đó hơn 50% số cây đã được khách hàng đặt trước. Năm nay là năm nhuận và thời tiết diễn biến thất thường, do đó muốn hoa đào nở đúng dịp tết, nhà vườn phải kỳ công hơn. Hiện đang là thời điểm quan trọng quyết định vụ đào thành công hay không, do đó ông Cường thường xuyên theo dõi thời tiết để điều chỉnh các kỹ thuật chăm sóc sao cho đào ra hoa sai và đẹp đúng thời điểm. Trong quá trình chăm sóc, ông thường xuyên theo dõi thời tiết và quá trình phát triển của cây đào để có cách chăm sóc phù hợp.
Ông Vũ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Niên cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 7,5 ha hoa phục vụ tết, trong đó chủ yếu là hoa lay ơn (tại các thôn Mom Đào, Hải Niên, Quyết Tâm), hoa cúc (chủ yếu tại thôn Hải Niên, Quyết Tâm) và đào cảnh (tại thôn Múc). Từ việc trồng hoa tết đã đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân (khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha), góp phần cải thiện đời sống và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Thời điểm này, gia đình chị Vi Thị Nhung ở tổ 6, phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai cũng đang tích cực chăm sóc những ruộng hoa cúc để phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Với diện tích hơn 5 sào đất, gia đình chị trồng khoảng 20 vạn cây hoa cúc đủ loại, trong đó có 10 vạn cây được trồng để bán dịp tết.
Chị Nhung chia sẻ: Chúng tôi gắn bó với nghề trồng hoa cúc hơn 20 năm nay nên có nhiều kinh nghiệm chăm sóc loại hoa này. Ngoài các biện pháp canh tác thông thường như bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, chúng tôi còn phải bấm ngọn, tỉa cành, tỉa nụ, thắp điện chiếu sáng để điều chỉnh thời gian ra hoa. Hy vọng đến gần tết giá hoa sẽ tăng và ổn định để chúng tôi có vụ sản xuất thành công.
Không chỉ tại huyện Bảo Thắng hay thành phố Lào Cai, các hộ trồng hoa tại các địa phương khác trong tỉnh (thị xã Sa Pa và các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương…) cũng đang tích cực xuống đồng chăm sóc hoa, cây cảnh với mong muốn cung ứng cho thị trường tết những bông hoa, chậu hoa, cây cảnh đẹp nhất và mang sắc xuân rực rỡ đến cho mọi nhà.