Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó 7 triệu người chết do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người do hút thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40 nghìn người chết do thuốc lá.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới và công tác phòng chống tác hại thuốc lá đang gặp phải những khó khăn, thách thức. Nếu như tỷ lệ người hút thuốc lá truyền thống giảm, thì số người hút thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, nung nóng, shisa) lại có xu hướng gia tăng.
Đáng chú ý, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, nhưng thực tế việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, nhất là trên môi trường mạng internet.
Nếu không tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Khi đó các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng thuốc lá mới cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá truyền thống; gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu bước đầu chỉ ra hậu quả đối với sức khỏe của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với “sol khí”, khói của các sản phẩm này. Sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác.
Đối với hệ hô hấp, nó làm chức năng phổi giảm và sức cản hô hấp tăng; nó cũng liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp và có khả năng liên quan đến sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của các rối loạn hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Đối với lĩnh vực tim mạch, thuốc lá điện tử có thể dẫn đến rối loạn chức năng mạch máu, tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và tiền sử đột quỵ.
Những bằng chứng gần đây chỉ ra rằng sol khí sinh ra từ thuốc lá điện tử có thể tăng cường hoạt động các enzym gây ung thư, dẫn đến tổn thương DNA và ung thư sau khi hút trong thời gian dài... Những người sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc bệnh sâu răng, mất xương quanh răng, các bệnh nha chu khác, tổn thương niêm mạc miệng, nhiễm trùng cao hơn nhiều so với những người không sử dụng. Thuốc lá điện tử có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, sau đó là tiêu chảy và xuất huyết tiêu hóa, một số trường hợp viêm loét đại tràng đã được ghi nhận.
Các nghiên cứu cho thấy nồng độ nicotine, hóa chất và các chất gây ung thư trong sol khí thuốc lá điện tử thụ động vượt quá mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong khi đó, phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kỳ thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên.
Nicotine ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh thiếu niên, như làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và lâu dài nghiêm trọng, đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.
Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội. Thời gian gần đây, tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Nội… đã ghi nhận một số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử phải nhập viện cấp cứu. Hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.
Tổ chức Y tế Thế giới nêu rõ, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2, là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Hiện đã có ít nhất 34 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử; có 7 quốc gia cho phép nhưng áp dụng quy định quản lý chặt chẽ và chưa có sản phẩm nào được cấp phép lưu hành. Trong khu vực ASEAN cũng đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Để giảm số người chết sớm do thuốc lá cũng như đạt mục tiêu giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một ưu tiên rất cao là tăng thuế và giá thuốc lá vì giá thuốc lá ở Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất trên thế giới. Điều này khiến những người trẻ tuổi dễ tiếp cận và dễ bắt đầu hút thuốc. Giá thuốc lá thấp cũng làm cho việc bỏ thuốc của những người đang hút thuốc trở nên khó khăn hơn.