Cuộc trò chuyện giữa hai khách mời xoay quanh cuộc sống của những người dân hiện đang sinh sống cũng như gắn bó với dòng Mekong, không chỉ khởi phát từ lịch sử mà còn phóng chiếu đến góc nhìn ở thì tương lai, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thay đổi địa – chính trị, từ đó phân tích và cho thấy thêm trách nhiệm của chính chúng ta đối với nơi này.
“Tiếng nói” từ quá khứ
Mở đầu buổi trò chuyện, nhà văn Khải Đơn đã chia sẻ về thực trạng đa phần thế hệ trẻ ngày nay tuy hưởng rất nhiều nguồn lợi từ Mekong, nhưng lại chưa hiểu một cách sâu sắc, rõ ràng về dòng sông này. Cô cho rằng vẫn còn tồn tại định kiến về sự lạc hậu, tụt hậu và gán nó cho người dân nơi đây. Là những cá nhân đặt trọng tâm nghiên cứu của mình từ sự tò mò về hệ sinh thái dòng sông này, nên hai diễn giả đều rất thấu hiểu nhận định nói trên.
Theo GS. Chung Hoàng Chương, mỗi một địa phương đều có sự lôi cuốn riêng. Chẳng hạn với sông Mekong, ông khẳng định nó là “con sông Phật giáo” khi được khởi nguồn từ vùng Tây Tạng, đến đồng bằng Trung Quốc là khu vực của Phật giáo Đại Thừa, qua Thái Lan, tiếp cận Myanmar có nhiều dấu ấn tôn giáo Tiểu Thừa. Rồi đến khu vực Campuchia thì lại hội nhập với văn hóa khác, vẫn là Phật Giáo nhưng có những chi, nhánh đặc biệt, như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Dị hương…
Trong tư duy và diễn ngôn của những tín ngưỡng này, việc “lắng nghe thiên nhiên” là rất nổi bật. Ông cũng bày tỏ trong thời kỳ thuộc địa, khi người bên ngoài muốn mang một tôn giáo khác đến với nơi đây, thì chính những vị lãnh đạo với suy tư về tinh thần cứu nhân độ thế, tạo nên cuộc sống yên bình và sống hòa hợp với thiên nhiên đã làm nên một vùng đất trù phú và đậm dấu ấn văn hóa như thời gian hiện nay.
Dựa trên cuốn sách Đầm lầy của người bạn và người đồng nghiệp David Briggs, GS. Chu Hoàng Chương cũng nhìn Mekong dưới góc độ khoa học – môi trường, về những lý do vì sao người Pháp lại chọn Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa chính mà không phải là miền Bắc hay miền Trung. Từ đó cho thấy ở nhiều khía cạnh, thì mỗi con kênh, mỗi đồn điền ở vùng đầm lầy này ghi dấu chồng chéo tham vọng chính trị, kinh tế và cả nỗ lực khai hoang của nhiều thời kỳ, qua đó câu chuyện Nam tiến của người Việt cũng đã được nhìn nhận cụ thể và mới mẻ hơn.
Đông đảo khán giả quan tâm đến buổi trò chuyện.
“Tiếng vọng” đến tương lai
Không chỉ khảo sát về mặt lịch sử, buổi trò chuyện cũng nói nhiều hơn về thực trạng hiện nay ở các khía cạnh văn hóa – xã hội. Tác giả Khải Đơn nêu bật vấn đề về việc thay đổi cấu trúc xã hội, khi ngày càng nhiều lực lượng lao động “bỏ quê lên phố” để làm công nhân, dẫn đến làng xã chỉ có ông bà cũng như trẻ con là “những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau”. Từ thực tế này cô đặt câu hỏi, liệu khi khai thác hết tiềm năng của sông Mekong thì vấn đề này có thay đổi không?
Theo GS. Chu Hoàng Chương, trước khi có sự thay đổi về cách khai thác dòng Mekong, thì một giải pháp mang tính cốt lõi cũng cần thay đổi là làm sao để những con người nơi đây ngày càng có thêm kỹ năng cũng như hiểu biết về công việc của mình. Ông dẫn chứng phụ nữ ĐBSCL hiện mất quá nhiều thời gian vào việc nội trợ, gia đình, dẫn đến thực trạng tụt hậu là không tránh khỏi.
Với việc “bỏ quê lên phố”, ông cũng cho rằng một khi rời khỏi vùng đất của mình, thì con người khó lòng duy trì khả năng thực hành nông nghiệp, do bị ảnh hưởng bởi xã hội cơ khí. Nếu là phụ nữ, thì sự ảnh hưởng này còn nhiều hơn cả so với nam giới do các thiết chế phục vụ gia đình, dẫn đến họ không có tay nghề, không được tiếp thu thêm kiến thức và chỉ tìm những phương cách ngắn hạn để giải quyết vấn đề của mình.
Tác giả Khải Đơn cũng đưa ra nghịch đề lý thú, rằng hiện tượng phụ nữ lấy chồng Đài Loan phổ biển ở ĐBSCL nên được nhìn nhận theo hướng tích cực hay là tiêu cực. Theo chị, trong khi nhiều người vẫn có ác cảm về lựa chọn này, thì ở những khu vực cù lao không có việc làm và không có đất để canh tác, thì việc làm trên chính là hành động tự tạo cơ hội kinh tế, tự thân vận động tạo kế sinh nhai. Và khi đến Đài Loan hay những nơi khác, họ cũng tham gia vào đời sống kinh tế một cách nhanh chóng vì đã quen với cuộc sống cơ cực.
GS. Chu Hoàng Chương cũng đồng ý với cách nhìn nói trên, và còn đề xuất thêm một phương pháp là nông dân của ĐBSCL cũng nên nghĩ đến các mô hình khác không chỉ đơn thuần là trồng trọt. Đó có thể là luân canh vừa nuôi tôm vừa trồng lúa, hoặc khai thác du lịch bền vững, xanh, chậm, mang nhiều sắc thái địa phương. Với lợi thế là nguồn nước phì nhiêu, môi trường vẫn chưa ô nhiễm, nếu như nông nhân có thể uyển chuyển trong việc lao động, thì đây là lợi thế lớn. Ông cho rằng nên khai thác được những điểm đặc trưng ở mỗi địa phương, và tuy có thể là kinh tế phụ nhưng nó cũng hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác.
Hai diễn giả chụp ảnh cùng với khán giả.
Tìm mô hình cho phát triển bền vững
Mở rộng hơn nữa về vùng đất này, tác giả Khải Đơn cũng nêu lên thực trạng về mối quan hệ cộng đồng, nơi xu hướng “bỏ phố về quê” bắt nguồn vài năm gần đây của những người trẻ có tri thức đang dần thay đổi tập quán canh tác của ông bà cha mẹ. Cô gọi đây là sự chuyển mình giữa hai thế hệ làm nông, được hỗ trợ bởi đời sống công nghệ ngày càng phát triển.
GS. Chu Hoàng Chương cho rằng đây là xu hướng mang tính tất yếu, thể hiện ở việc khoa học có nhiều công dụng, chẳng hạn cung cấp dữ liệu cảnh báo hoặc các nghiên cứu sâu đến bản chất... Nếu biết tận dụng, thì đây có thể chính là giải pháp cho tương lai gần, tạo đà thúc đẩy cho hiệu quả làm nông từ trước đến nay.
Một vấn đề quan trọng khác cũng được hai diễn giả đề cập là sự giằng giai của thế lưỡng nan, liệu nên bảo tồn cảnh quan hay là khai thác phát triển. Tác giả Khải Đơn dẫn chứng câu chuyện về thôn Vũ Băng của người Tây Tạng trong cuốn Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ, khi du lịch tâm linh – sinh thái phát triển, thì cũng kéo theo vấn nạn ô nhiễm môi trường.
GS. Chu Hoàng Chương cho biết khi thực hành quy mô làng du lịch có quy mô lớn, thì việc ô nhiễm là không tránh khỏi. Do đó việc quan trọng nhất vẫn là sử dụng mô hình vật liệu tái sinh ở những địa điểm này, từ đó dấu chân sinh thái sẽ được giảm bớt, dần dần hình thành tư duy về bảo vệ môi trường. Ông cũng gợi ý về việc tuyên truyền trong mỗi gia đình, giữa ông bà, cha mẹ và con cái mình, như mô hình Mekong School ở Chiang Khong, Thái Lan đã làm thành công.
Có thể nói rằng qua buổi tọa đàm, hai vị khách mời đã lần lượt tìm về “tiếng nói” bên dòng Mekong vọng từ quá khứ cho đến hiện tại, từ đó mở ra viễn kiến cho tương lai gần, giúp độc giả phần nào rõ hơn thực trạng của dòng sông này.