- Phóng viên: Đạo diễn có cảm nhận gì khi làm phim tài liệu về Thủ đô Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”?
- Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn Trịnh Quang Tùng: Vừa qua, tôi có làm xong và đã công chiếu phim “Vì Thủ đô ta”, nói về việc thành phố xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Phim thứ hai tôi đang làm nội dung chính về việc điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, vì tương lai của Hà Nội, đang trong giai đoạn hậu kỳ. Phim sẽ bám sát phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và có nhiều ý kiến của các chuyên gia về quy hoạch, về kiến trúc, kinh tế, văn hóa, môi trường, giao thông… phản ánh tâm tư và những mong muốn về một Hà Nội tương lai như thế nào. Trong đó, có cả những “điểm nghẽn” của Hà Nội được “mổ xẻ”, nhận diện rõ và cùng nhau xử lý để thay đổi.
Tiếp xúc nhiều với các lãnh đạo và người dân Hà Nội, tôi cảm nhận được mong muốn, tâm huyết, khát vọng về cơ hội để Hà Nội thay đổi. Nhiệt huyết ấy lan tỏa đến tôi và tôi cũng mong muốn được làm nhiều phim về Hà Nội. Tôi không phải là người Hà Nội nhưng sống ở Hà Nội trên 30 năm và những thước phim tôi làm là đóng góp rất nhỏ cho sự đổi thay của Thủ đô - nơi hội tụ tri thức, nhân tài từ lịch sử cho đến hiện tại và tương lai.
Tôi rất thích bài hát “Hà Nội linh thiêng hào hoa” với những câu: “Trăm miền về đây, về đây hội tụ/ Ngàn năm về đây, về đây hội ngộ/ Khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi/ Khát vọng bao đời gửi gắm đó Thăng Long…”. Thông điệp của bài hát giống như Đồ án Quy hoạch Thủ đô - phải là nơi linh thiêng hào hoa hội tụ; là trái tim điều phối toàn bộ huyết mạch - đó cũng chính là nội dung mà tôi muốn truyền tải trong bộ phim của mình.
- Hà Nội cần phải có nét riêng, khác với muôn vàn đô thị khác thế nào?
Khi đoàn làm phim chúng tôi phỏng vấn, nhiều các chuyên gia đều cho rằng Hà Nội phải có đặc thù riêng, quyền riêng, vượt trội và khác biệt với các tỉnh, thành phố khác. Việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) hay điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô chính là tháo nút thắt, rào cản để Hà Nội phát triển ổn định, bền vững. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như rất nhiều các chuyên gia đều cho rằng quy hoạch Hà Nội phải khác đi và cũng khác với các Thủ đô khác trên thế giới. Bởi vì Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ cả văn hóa nên quy hoạch dựa trên văn hóa, phải gìn giữ văn hóa và phát triển văn hóa thì mới bền vững, nếu phát triển ồ ạt mà bỏ qua cái gốc thì sẽ rất khó…
- Trong phim của ông, người xem thường ấn tượng với những câu chuyện đời thường sống động nhưng cũng là câu chuyện thời đại. Trong phim về Hà Nội đang làm, ông có đưa vào những câu chuyện như thế không?
- Trong phim sẽ là những câu chuyện điển hình cho đời sống ở Hà Nội, đâu cũng thấy, nhưng có thể ít người để ý, suy ngẫm về môi trường, quy hoạch, giao thông. Ví dụ chuyện các bệnh viện quá tải một phần cũng do ô nhiễm. Con người cũng nhiều bệnh tật hơn do ô nhiễm. Nếu không sớm giải quyết thì Hà Nội lấy đâu thêm đất mà xây bệnh viện? Đó còn là câu chuyện thực tế chúng ta cảm thấy xấu hổ nhưng phải nhìn thẳng vào nó. Những câu chuyện đó sẽ được thể hiện bằng ngôn ngữ của phim tài liệu với âm thanh, ánh sáng, lời bình để có tương phản nhưng không phản cảm. Từ những câu chuyện đó, các chuyên gia sẽ phân tích, bình luận và đưa ra các giải pháp mà Hà Nội cần…
Bên cạnh đó, trong phim cũng sẽ có những hình ảnh rất đẹp của Hà Nội; những con phố rực nắng vàng, những mùa hoa, những tà áo dài tung bay, những con đường mới, khu đô thị khang trang… Từ đó, người ta mới nhận ra, Hà Nội cần điều chỉnh quy hoạch ra sao để 100 năm nữa, các thế hệ sau không còn phải đối mặt với những vấn đề hôm nay.
- Ông nghĩ thế nào khi nhiều người hay nói “Hà Nội nay khác rồi!”?
- Tôi nghĩ “khác” ở đây có 2 khía cạnh. Thứ nhất, Hà Nội khác đi bởi sự phát triển nhanh chóng, đường phố rộng rãi, khang trang, những tòa nhà cao tầng mọc lên. Cái “khác” thứ hai thì buồn hơn và đáng lo hơn - đó là những nét đẹp văn hóa của Hà Nội đang dần mai một. Văn hóa mất đi thì rất đáng ngại. Điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc làm được nhưng về tâm hồn, tinh thần, giữ được hồn cốt rất khó. Cái gì riêng có của Hà Nội thì nên khôi phục, bảo tồn. Ví dụ như văn hóa gia đình của Hà Nội, bao nhiêu thế hệ của trong một gia đình, họ giáo dục con cháu, từ đi lại, nói năng, ăn uống, lễ phép thế nào, trang phục ra sao. Có giữ được những điều đó, Hà Nội mới không bị khác đi.
Chúng ta phải đầu tư các nghiên cứu thực sự tâm huyết thì mới làm được. Cứ hô hào làm theo phong trào sẽ không hiệu quả. Các siêu đô thị cần phải xây nhưng phải giữ được hồn cốt của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Có thế mới níu chân được du khách. Câu chuyện khách quốc tế đến Hà Nội chỉ đi chơi mấy điểm, tiêu 100 USD rồi đi Hạ Long, Ninh Bình... chứ không ở lâu cũng vì Hà Nội chưa có nhiều bản sắc riêng được bảo tồn phát triển.
Bảo tồn và phát triển hồn cồt của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
- Làm phim về Hà Nội nhưng với ngôn ngữ tài liệu, chính luận có khó không, thưa ông?
- Khó thật! Nếu không khéo léo sẽ rất khô khan, rất khó để thu hút người xem từ đầu đến cuối. Nhưng làm thế nào là câu hỏi thật sự khó. Phải khai thác những gì, tìm khía cạnh nào, câu chuyện nào, cách kể ra sao? Việc làm mới con người, làm mới tác phẩm bao giờ cũng thách thức các nhà làm phim. Với tôi, Hà Nội luôn có nhịp sống riêng. Lang thang nhiều mới hiểu cảm giác về một thành phố lúc sáng sớm như “một người khổng lồ đang ngái ngủ” nhưng khắp ngõ, phố đã râm ran những chuyện đời. Câu chuyện về Hà Nội phải bắt đầu “zoom in” từ những câu chuyện đời thường đó, sau mới “zoom out” ra thì sẽ sống động và rất thật. Hà Nội sẽ tự kể câu chuyện của mình, và rồi ai cũng sẽ thấy mình ở trong đó, muốn xem câu chuyện của chính mình!
- Nếu có cơ hội, ông có muốn làm một bộ phim về Hà Nội ngày nay kiểu như “Hà Nội trong mắt ai” của Nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy để mọi người cùng suy ngẫm không trong thời đại công nghệ 4.0?
- Đấy là cái mơ ước của tôi! Nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy cũng từng đau đáu nói với tôi: “Cháu phải làm đi…”. Nhiều bài học trong “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” của bác Thủy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó có tính dự báo thời đại. Tôi thật sự muốn làm một bộ phim tài liệu về Hà Nội hôm nay để mọi người nhìn bức tranh hiện thực đó và nhận thấy những điều tốt đẹp cũng như những thứ chưa tốt để thay đổi. Những người làm phim tài liệu đều có cơ may được học hỏi những điều hay đồng thời nhận biết cả những cái dở trong cuộc sống để mình chiêm nghiệm và không vướng vào.
- Cảm ơn và chúc ông có nhiều thước phim hay về Hà Nội!