Thời gian gần đây, anh Thền Văn L. (xã Nàn Sán) đều đặn đi kích giun. Cùng người cháu đi kích giun từ sáng sớm, chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ, hai chú cháu đã kích được 1,5 kg giun đất. Anh L. cho biết mỗi ngày có thể kích được 10 - 12 kg giun đất tươi. Việc mua bán cũng diễn ra nhanh chóng, người mua thường trả tiền luôn. Mỗi ngày anh thu về 300 - 400 nghìn đồng từ việc bán giun đất.
“Ngoài kích giun ở đất của gia đình và anh em, họ hàng, tôi còn kích giun trên đất của các hộ dân khác khi được họ cho phép. Số tiền từ việc bán giun đất sẽ chia 50/50 cho chủ đất”, anh L. chia sẻ.
Việc “săn” giun được nhiều người dân nơi đây đánh giá là “nhẹ nhàng” hơn việc đi làm nương rẫy nên nhiều người bỏ cả việc đồng áng để theo làm. Tuy nhiên, không phải ai cũng “xin phép” chủ đất như anh L. Một số người dân khi kích hết giun tại đất của gia đình đã đến kích giun công khai trên đất của người khác mà không cần sự cho phép của chủ đất và thậm chí di chuyển sang huyện khác để tìm giun.
Tại xã Tà Chải (huyện Bắc Hà) - nơi có đất đai màu mỡ tạo nên những vùng trồng đặc sản như lê, mận, thời gian gần đây cũng bị những đối tượng lạ “xâm nhập” để kích giun. Bà Vàng Thị Hương (xã Tà Chải) bức xúc: “Gần đây xuất hiện đối tượng lạ vào vườn mận của gia đình tôi để kích giun. Việc kích giun sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất trồng và hoa màu của gia đình tôi. Do đó, ngay khi phát hiện, gia đình tôi đã báo lực lượng Công an xã đến lập biên bản, tạm giữ máy kích giun của đối tượng”.
Công an xã Tà Chải và lực lượng công an cơ sở đã thu giữ nhiều máy kích giun đất có in chữ nước ngoài và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ có thể dừng lại ở việc tạm giữ, thu giữ tang vật, chưa có chế tài xử lý, xử phạt để răn đe người vi phạm.
Cùng với việc nhiều người đi kích giun, các cơ sở thu mua, sơ chế giun cũng xuất hiện. Như trên địa bàn huyện Si Ma Cai, thời gian gần đây có khoảng 7 cơ sở thu mua, sơ chế giun đất.
Tại một cơ sở thu mua, sơ chế giun đất tại xã Nàn Sán, anh Cư Seo Sì - người làm thuê phụ trách việc sơ chế và sấy giun đất cho biết: Mỗi ngày, cơ sở thu mua khoảng 400 - 500 kg giun đất. Người bán thường là người dân trong huyện. Ngoài ra, xưởng cũng thu mua giun đất từ các địa phương lân cận như Bắc Hà, Mường Khương và thị xã Sa Pa... Mỗi kilôgam giun tươi sẽ được thu mua với giá 50 nghìn đồng và thành phẩm giun đất sấy khô có giá 700 nghìn đồng/kg. Việc mổ giun được thực hiện bằng máy, giúp năng suất mổ và sấy nhanh hơn nhiều lần.
Với khối lượng thu mua và chế biến tương đối lớn, đáng lo ngại là một số cơ sở đã không quan tâm đến việc xử lý chất thải sau sơ chế, gây ô nhiễm môi trường.
Qua công tác nắm tình hình, lãnh đạo Công an huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo Đội Điều tra tổng hợp đến kiểm tra các xưởng sấy giun đất trên địa bàn. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện đường nước thải của 2 xưởng sơ chế giun đất được ngụy trang dưới nhiều lớp cây khô và xả thải thẳng ra dòng suối gần đó, gây ô nhiễm môi trường. Công an huyện Si Ma Cai đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Lào Cai lấy mẫu nước thải để phân tích các chỉ số ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời lập biên bản đối với 2 xưởng sơ chế giun đất, tạm giữ 1 số máy mổ giun.
Chị Vàng Thị Mào - người dân địa phương chia sẻ: “Tôi phải bịt khẩu trang kín mít vì nhiều lần đi qua những lò sấy giun đều ngửi thấy mùi hôi thối và thấy nước thải từ xưởng mổ giun xả ra môi trường rất mất vệ sinh”.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Giàng A Sành, Phó Trưởng Công an huyện Si Ma Cai cho biết: Qua công tác nắm tình hình của lực lượng công an cho thấy, nguồn lợi của người dân khi bán giun đất cho các xưởng sơ chế rất cao, cùng với đó là việc mua các bộ kích giun bằng điện trên thị trường không khó (đặc biệt là dễ tìm thấy trên các trang mạng xã hội với giá mua dao động 5 - 6 triệu đồng/bộ) nên những gia đình có nhu cầu đều dễ dàng mua để sử dụng.
Trước tình hình người dân đi kích giun ồ ạt, Công an huyện Si Ma Cai đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức đến các thôn, bản để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại khôn lường của việc kích giun đất gây ra. UBND huyện Si Ma Cai cũng yêu cầu các xã tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ động nắm tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng dùng kích điện để bắt giun gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường đất và gây ra những hệ lụy khôn lường. Lực lượng chức năng cũng khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho cơ quan công an khi phát hiện hoạt động kích giun để có biện pháp xử lý vi phạm.