Hiện nay, y học thế giới đang phải đối đầu với một vấn đề cực kì nhức nhối, nan giải, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe hay cao hơn là tính mạng của hàng triệu con người, đó là vấn đề “vi khuẩn kháng kháng sinh”.
Mặc dù sự kháng kháng sinh là tất yếu và chúng ta chỉ có thể kéo dài thời gian kháng kháng sinh của vi khuẩn càng lâu càng tốt, nhưng chính sự lạm dụng kháng sinh của con người, ngay cả ở những nước phát triển đã dẫn đến tốc độ kháng kháng sinh tăng chóng mặt và sự xuất hiện của những “siêu vi khuẩn” không còn là chuyện gì mới lạ với các nhà khoa học nữa. Khi mà một kháng sinh là không đủ để tiêu diệt thì phối hợp kháng sinh là điều tất yếu, không chỉ giúp giảm thiểu xác suất xuất hiện các chủng đề kháng mà trong nhiều trường hợp còn mở rộng phổ tác dụng, tăng hiệu quả điều trị.

Ảnh minh họa.
Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Ánh, Trưởng Khoa Dược, BVĐK tỉnh cho biết việc lựa chọn kháng sinh khi kê đơn cho bệnh nhân phụ thuộc 3 yếu tố: người bệnh, vi khuẩn gây bệnh và kháng sinh. Khi không có điều kiện nuôi cấy vi khuẩn (do không có Labo vi sinh, không thể lấy được bệnh phẩm), hoặc khi đã nuôi cấy mà không phát hiện được vi khuẩn nhưng có bằng chứng lâm sàng rõ rệt về nhiễm khuẩn thì bệnh nhân được điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm. Phác đồ sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm là lựa chọn kháng sinh có phổ hẹp nhất gần với hầu hết các tác nhân gây bệnh hoặc với các vi khuẩn nguy hiểm có thể gặp trong từng loại nhiễm khuẩn. Nếu không có bằng chứng về vi khuẩn sau 48 giờ điều trị, cần đánh giá lại lâm sàng trước khi quyết định tiếp tục sử dụng kháng sinh.
Sau khi, quyết định được kháng sinh điều trị thầy thuốc sẽ lựa chọn liều dùng, đường đưa thuốc và độ dài của đợt điều trị. Thời gian điều trị phụ thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn, vị trí nhiễm khuẩn và sức đề kháng của người bệnh. Các trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ và trung bình thường đạt kết quả sau 7 - 10 ngày nhưng những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn ở những tổ chức mà kháng sinh khó thâm nhập (màng tim, màng não, xương - khớp…), bệnh lao thì đợt điều trị kéo dài hơn. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm khuẩn chỉ cần một đợt ngắn như nhiễm khuẩn tiết niệu - sinh dục chưa biến chứng (khoảng 3 ngày, thậm chí một liều duy nhất).
Nhằm giảm tỷ lệ phát sinh vi khuẩn kháng thuốc và tính kinh tế, hợp lý trong điều trị thì những kháng sinh mới, phổ rộng chỉ định sẽ phải hạn chế (chỉ dùng cho những trường hợp có bằng chứng là các kháng sinh đang dùng đã bị kháng). Phối hợp hai kháng sinh có khả năng cùng ức chế sinh tổng hợp vách tế bào vi khuẩn là β-lactam nhưng mỗi thuốc lại tác động tác động vào một protein gắn penicilin (Penicilline Binding Protein (PBP), enzym tham gia quá trình tổng hợp vách tế bào) khác nhau thì sẽ có tác dụng hiệp đồng. Trong trường hợp này, mặc dù cùng một cơ chế nhưng đích tác dụng là khác nhau nên không có tác dụng đối kháng.
Hiện nay, với sự xuất hiện của các kháng sinh có hoạt tính cao, phổ tác dụng rộng nên đối với nhiễm khuẩn nhẹ và vừa thì không cần thiết phải phối hợp các thuốc kháng sinh với nhau trong điều trị. Tuy nhiên, trong những trường hợp: Bệnh nhân nhập viện với tình trạng bệnh nặng mà không thể chờ đợi kết quả xét nghiệm vi sinh được; bệnh nhân bị nhiễm khuẩn mắc phải ở bệnh viện (viêm phổi, nhiễm khuẩn máu...sau mổ, những trường hợp này thường gặp những chủng vi khuẩn có tính kháng thuốc cao) hoặc các nhiễm khuẩn hỗn hợp... cần phải phối hợp kháng sinh nhằm nới rộng phổ tác dụng.
Việc phối hợp kháng sinh còn có tác dụng làm tăng hoạt lực của thuốc để đối phó với những trường hợp gặp vi khuẩn có độ kháng thuốc cao, thường được áp dụng khi điều trị cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch, sau ghép cơ quan phải dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài để làm tăng tốc độ diệt khuẩn hoặc với nhiễm khuẩn nặng ở các vị trí khó thấm kháng sinh như viêm màng não, viêm xương, viêm màng trong tim...
Để làm giảm sự xuất hiện kháng thuốc của vi khuẩn người ta cũng sử dụng phương pháp phối hợp này. Chẳng hạn như trong điều trị lao, trong giai đoạn tấn công các phác đồ điều trị đều gồm từ 3 thứ thuốc trở lên.
Như vậy, việc phối hợp kháng sinh trong điều trị chỉ nên làm khi tiên lượng cho thấy khả năng dùng kháng sinh đơn độc không đủ hiệu quả chữa bệnh. Không nên phối hợp tràn lan vì dễ gặp tương tác bất lợi do đối kháng về cơ chế tác dụng hoặc tăng độc tính khi sử dụng các kháng sinh có độc tính trên cùng một cơ quan... sẽ lợi bất cập hại.
Khi phối hợp hai kháng sinh ta thu được tác dụng cộng gộp của cả hai kháng sinh đó, mỗi kháng sinh vẫn thể hiện tác dụng của riêng nó, không ảnh hưởng gì đến tác dụng của kháng sinh còn lại. Kiểu phối hợp này không có ảnh hưởng tiêu cực đến việc điều trị. Tuy nhiên, nó thường không phải là chỉ định ưu tiên trong điều trị trên lâm sàng, thường áp dụng trong việc điều trị nhiễm khuẩn do nhiều vi khuẩn gây ra, phổ kháng khuẩn tổng sẽ là sự kết hợp hai phổ của hai kháng sinh, tác dụng không thay đổi.
Đó là khi dùng hai thuốc mà tác dụng như một thuốc. Thường gặp khi phối hợp hai thuốc cùng nhóm, cùng đích tác dụng. Phối hợp như vậy gây lãng phí kháng sinh, đồng thời nguy cơ các phản ứng phụ có thể xảy ra tăng lên nếu không giảm liều.
Trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, đa kháng, vi khuẩn dễ đề kháng hay nhiễm khuẩn do nhiều vi khuẩn gây ra, phối hợp kháng sinh là cần thiết.
Khi phối hợp kháng sinh, cần dùng đủ liều (có thể chỉnh liều nếu cần) và nên lựa chọn những kháng sinh có tính chất dược động học gần nhau hoặc có tác dụng hiệp đồng. Tác dụng kháng khuẩn in vivo (trong cơ thể) thay đổi tùy theo số lượng và giai đoạn phát triển của vi khuẩn cũng như các thông số dược động học của các kháng sinh được dùng phối hợp.