Theo quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm năm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng bạn phải trực tiếp đến đăng ký tình trạng việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động, Thương binh Xã hội nơi cư trú. Nếu người hưởng không đến đăng ký thì sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sau hơn 9 năm triển khai, Luật Việc làm năm 2013 đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập từ thực tiễn cuộc sống. Vì thế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Trong dự thảo Luật lần thứ hai này, có 11 nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung được nhiều người lao động, doanh nghiệp... quan tâm.
Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Cho ý kiến về quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã nêu đề nghị xem xét sửa đổi quy định về chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tham gia đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng (không hưởng gộp trong 3 năm đầu). Đồng thời, không giới hạn thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa, và thực hiện bảo lưu đối với thời gian còn lại trong trường hợp người lao động tìm kiếm được việc làm mới.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc không quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tạo điều kiện cho người lao động có thời gian dài đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ kinh phí duy trì việc làm chủ động, sản xuất kinh doanh… trong thời gian tương ứng với thời gian đóng, chứ không chỉ là 12 tháng tối đa. Ngoài ra, việc giới hạn thời gian hưởng tối đa là 12 tháng được cho là sẽ dẫn đến hệ quả người lao động sau khi làm việc đủ 12 năm sẽ nghỉ việc để được hưởng tối đa 12 tháng thất nghiệp. Thậm chí, nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần khi họ đã tham gia bảo hiểm xã hội từ sớm.
Tuy nhiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lý giải quy định đóng 12-36 tháng thì được hưởng 3 tháng và quy định thời gian hưởng tối đa 12 tháng kế thừa quy định Luật Việc làm năm 2013 là phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi, mức trợ cấp thất nghiệp tối thiểu này là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm. Đồng thời, quy định thời gian hưởng tối đa, vì đây là chế độ ngắn hạn, thúc đẩy người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động thông qua các hỗ trợ khác như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề...
Bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ ngày 1/1/2009 là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc, hỗ trợ học nghề, giúp duy trì và tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách này được điều chỉnh bởi Luật Việc làm. Nguồn quỹ được hình thành từ sự đóng góp của người lao động, chủ doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước và một số nguồn hợp pháp khác.