Vừa qua, trên địa bàn tổ dân phố số 5, phường Bình Minh xảy ra vụ chập điện, gây cháy một số thiết bị trên cột điện trong khu dân cư. Với kiến thức, kỹ năng cơ bản được trang bị qua các buổi tập huấn, ngay khi phát hiện đám cháy, người dân trong khu phố đã nhanh chóng sử dụng các thiết bị sẵn có để xử lý, khống chế, không để đám cháy lan rộng, giúp hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản cũng như không gây nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Trước đó, phường Bình Minh đã xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” tại tổ dân phố số 5 với 15 hộ tham gia và 2 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” tại tổ dân phố số 9 và 17. Ngoài trang bị các thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, các hộ còn được lực lượng chức năng hướng dẫn, phổ biến kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, nguyên nhân, nguy cơ dễ xảy ra cháy, nổ và phương pháp xử lý ban đầu.
Ví dụ kể trên là minh chứng cho thấy hiệu quả từ các mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng” mà các khu dân cư trên địa bàn thành phố Lào Cai đã và đang triển khai. Thực hiện Kế hoạch số 181 ngày 30/6/2022 của UBND thành phố Lào Cai về triển khai xây dựng “Mô hình khu dân cư, tổ dân phố, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy”, mỗi xã, phường trên địa bàn thành phố đã lựa chọn, xây dựng 1 mô hình điểm. Đến tháng 1/2023, các xã, phường nhân rộng mô hình với mục tiêu từ 5 - 15 hộ liền kề xây dựng được mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”; các khu dân cư có ngõ nhỏ dài từ 50 m trở lên, xe chữa cháy không ra, vào được xây dựng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 76 mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và 38 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”.
Mỗi hộ tham gia mô hình bỏ kinh phí lắp đặt chuông báo cháy, bình chữa cháy, công cụ cứu nạn, cứu hộ thô sơ. Đối với các điểm chữa cháy công cộng, các khu dân cư cũng mua sắm, trang bị các vật dụng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cần thiết, đặt ở các nhà văn hóa khu dân cư hoặc vị trí trung tâm, dễ tiếp cận. Các mô hình khi ra mắt đều được lực lượng chức năng của Công an thành phố tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cơ bản về cứu nạn, cứu hộ và xử lý đám cháy, nổ.
Trung tá Hoàng Văn Sơn, Đội trưởng Đội cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Lào Cai cho biết: Sau 1 năm triển khai, mô hình khu dân cư, tổ dân phố, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đã phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình đã ngăn chặn, khống chế được các đám cháy nhỏ, đơn giản, không để lan rộng, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản. Đối với các đám cháy lớn, phức tạp, việc xây dựng mô hình cũng góp phần thực hiện quy tắc “5 phút giờ vàng” trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (việc tiếp cận, triển khai các biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả cao nhất trong 5 phút đầu sau khi xảy ra đám cháy). Mô hình cũng nâng cao ý thức cảnh giác, tính chủ động trong phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở, từ mỗi hộ và mỗi cá nhân, nhất là trong việc sử dụng điện và các thiết bị dễ gây cháy, nổ đúng cách, an toàn, tiết kiệm.
Hiện nay, có khoảng 80% nhà ở trên địa bàn thành phố có lối thoát nạn thứ 2. Tiếp tục chủ động phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở, thành phố Lào Cai đang tăng cường tuyên truyền, vận động để đến 31/12/2023 có 100% nhà ở trên địa bàn xây dựng, mở được lối thoát nạn thứ 2; 100% hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và có công cụ phá dỡ thô sơ; 100% hộ có ít nhất 1 thành viên được tham gia tập huấn, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy.