Những ngày tháng 7 này, cả nước lại hướng về các nghĩa trang liệt sĩ để thành kính tri ân công lao to lớn của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà.
Hàng chục nghìn người đã tới vùng đất miền Trung Quảng Trị. Mỗi người tới đây đều rất xúc động và cảm nhận được sự quan tâm của người dân cũng như chính quyền địa phương đang thay mặt cả nước chăm lo cho các phần mộ của các anh hùng liệt sĩ.
Tới các nghĩa trang Đường 9, Trường Sơn hay Thành Cổ Quảng Trị, mỗi người dân tới đây đều một nỗi niềm khác nhau, nhưng chung nhất là sự tri ân các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây. Nhờ có các anh hùng liệt sĩ, mới có được hòa bình, ấm no như hôm nay.
Với ông Bạch Công Lưu, ở Hà Nội, đây là lần thứ 3 ông vào thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, cho chú ruột của ông là liệt sĩ Bạch Công Hải, hy sinh năm 1973.
"Gia đình chúng tôi ở xa, người thân chúng tôi nằm ở đây. Tôi vào thấy sự chăm sóc của chính quyền địa phương rất chu đáo, gia đình tôi rất cảm ơn và cũng cảm ơn tấm lòng của các anh, các chị phục vụ ở đây", ông Bạch Công Lưu, Huyện Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ.
Toàn tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang, với hơn 55.000 liệt sĩ. Để chăm sóc tốt các phần mộ liệt sĩ, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ ngày càng khang trang hơn.
"Tỉnh Quảng Trị đã phát động phong trào chung tay chăm sóc nghĩa trang. Đến nay, chúng tôi đã huy động được hàng trăm tỷ đồng. Chúng tôi giao cho một tổ chức, chuyên đón tiếp thân nhân liệt sĩ và giải quyết, cũng như tư vấn mọi khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách của thân nhân khi đến đây", ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, cho biết.
Trên mảnh đất Quảng Trị, nơi đâu cũng in dấu sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Tại dòng sông Thạch Hãn, hàng nghìn chiến sĩ đã yên nghĩ dưới lòng sông này. Nhà báo, người cựu chiến binh thành cổ Lê Bá Dương đã có những câu thơ tri ân đồng đội:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ cũng là khoảng thời gian lắng đọng nhiều cảm xúc, biết ơn những người con của đất nước đã ngã xuống.
Đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình được xây đắp bằng những sự hy sinh cao cả. Sinh thời Bác Hồ cũng đã khẳng định: "Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế". Đó là truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.