Gần 10 năm nay, người dân tổ dân phố số 4, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) đã rất quen thuộc với hình ảnh Bí thư Chi bộ Mai Văn Xuân (sinh năm 1958) thường xuyên gần dân để nắm tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Qua đó kịp thời tham mưu cho lãnh đạo thị trấn tìm phương án giải quyết, tháo gỡ. Sự gần gũi, chân thành của ông Xuân được bà con đánh giá cao nên các phong trào triển khai tại địa bàn đều thuận lợi. Điển hình như việc xây dựng nhà văn hóa khu dân cư tổ 4. Ông Xuân chia sẻ: Trước đây, nhà văn hóa của tổ có diện tích nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân mỗi khi tổ chức hoạt động cộng đồng. Tôi cùng chi ủy họp nhiều lần và quyết định vận động người dân đóng góp để xây dựng nhà văn hóa mới. Sau khi được cấp trên thông qua, tổ dân phố đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến và được người dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa. Hiện nay, nhà văn hóa tổ dân phố số 4 có diện tích hơn 150 m2 và 240 chỗ ngồi, đáp ứng đủ yêu cầu tổ chức các hoạt động, sự kiện.
Đặc biệt, khi huyện Bát Xát bị ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), ông Xuân đã cùng các đảng viên kịp thời vận động người dân trong tổ đóng góp công sức và vật chất để ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn. Chỉ sau 2 ngày phát động, người dân tổ dân phố số 4 đã ủng hộ gần 19 triệu đồng; tổ chức nấu cơm miễn phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai và cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu, như mì tôm, rau củ, thuốc... trị giá hơn 13 triệu đồng; tham gia vận chuyển hàng cứu trợ đến điểm tập kết.
Sau khi nghỉ hưu, với tinh thần “còn sức khỏe là còn cống hiến”, ông Hoàng Văn Toàn (74 tuổi), Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) đã tích cực tham gia sinh hoạt chi bộ, chi hội người cao tuổi và các đoàn thể trong thôn. Trong sinh hoạt đảng và các tổ chức đoàn thể, ông Toàn luôn có những ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết, được cấp ủy đảng, ban cán sự thôn, các tổ chức đoàn thể đánh giá cao; nhiều ý tưởng đã trở thành chương trình hoạt động của thôn. Bản thân ông luôn đi đầu trong tuyên truyền, đóng góp, vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới, như góp công, góp của làm đường bê tông, sân bóng chuyền hơi, trồng hoa, cây cảnh, lắp điện chiếu sáng trên các tuyến đường thôn. Đặc biệt, gia đình ông Toàn luôn đi đầu ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng thôn Gốc Mít đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Toàn cho biết: Dù tuổi cao, sức khỏe có hạn nhưng với vai trò là trưởng thôn, tôi xác định luôn cố gắng phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào do cấp trên phát động; chủ động bám sát tình hình dân cư, nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con để triển khai các hoạt động phù hợp với địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 3.887 hội viên người cao tuổi đang tham gia công tác xã hội, đặc biệt có 344 người đảm nhiệm các chức danh ở cơ sở, 120 người tham gia HĐND cấp xã. Dù đảm nhận cương vị nào, người cao tuổi luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân tín nhiệm, giao nhiệm vụ; các hội viên người cao tuổi luôn phát huy tốt vai trò “Tuổi cao - Gương sáng”, tận tụy cống hiến công sức, trí tuệ, kinh nghiệm, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bà Hà Thị Thiệp, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Nhằm phát huy hiệu quả vai trò của người cao tuổi trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Hội Người cao tuổi tỉnh và các cấp hội trên địa bàn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Người cao tuổi tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giai đoạn 2024 - 2029”. Phấn đấu đến năm 2029, có 1.500 - 2.000 người cao tuổi trực tiếp tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở…