Xóa mù chữ, thúc đẩy xã hội học tập là nhiệm vụ cấp thiết số một
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: "nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào ta mù chữ... Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ" (1).
Thực hiện ý kiến của Bác, ngay sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ban hành 3 sắc lệnh, đó là: Sắc lệnh 17/SL thành lập Nha bình dân học vụ, Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và Sắc lệnh 20/SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền; đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Sau đó, ngày 4/10/1945, Bác ra lời kêu gọi "Chống nạn thất học" gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Bác viết: "Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ" (2).
Gặp mặt kỷ niệm 15 năm ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2023) và phát động thi đua "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số". Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Thực hiện Sắc lệnh và hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng được triển khai, lan rộng và ăn sâu vào từng thôn xóm, bản làng. Chỉ một năm sau, gần 75.000 lớp học xóa mù chữ được tổ chức với sự tham gia của 95.000 giáo viên và trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Đây là một kỳ tích có một không hai về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục nước nhà.
Phong trào Bình dân học vụ cứ thế phát triển, đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, theo các đoàn dân công tiếp vận cho các chiến trường... Những lớp bổ túc văn hóa, tiếp sau bình dân học vụ xóa mù chữ đã đưa 8 triệu người dân trong 9 năm kháng chiến (1946-1954) vừa lo chống giặc giữ nước, vừa học tập, thoát nạn mù chữ và 5 năm sau (năm 1959), tất cả các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng trung du miền Bắc đều hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân ở độ tuổi 12-50. Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), các vùng thấp thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa xong nạn mù chữ cho nhân dân các dân tộc thiểu số.
Tại miền Nam, đến năm 1975, 30% người dân vẫn mù chữ. Trong Chỉ thị 221 ngày 17/6/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: "Trước mắt, phải coi đây (xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa) là nhiệm vụ cấp thiết số một". Trong thư gửi giáo viên và học sinh nhân dịp năm học mới năm 1976, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng lưu ý "miền Nam phải tập trung sức nhanh chóng xóa nạn mù chữ và đẩy mạnh công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ và thanh niên công nông". Hai năm sau đó, cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành phố ở miền Nam đã cơ bản thanh toán nạn mù chữ.
Sau khi đất nước thống nhất, trên nền tảng xây dựng xã hội học tập, sự nghiệp nâng cao dân trí của đất nước tiếp tục tiến lên một bước mới, với những phát triển vượt bậc. Từ chỗ 95% dân số nước ta mù chữ (năm 1945), đến năm 2000, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với 98,03% số quận/huyện; 98,53% số xã/phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ-phổ cập giáo dục tiểu học; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15-35 đã biết chữ; hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở năm 2010. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học được củng cố và phát triển ở khắp các khu dân cư lớn, các vùng và một số tỉnh/thành phố.
Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Phát huy truyền thống của dân tộc và thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời bám sát xu thế thời đại như UNESCO đã đề xướng "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình", trong nhiều năm qua, sự nghiệp "trồng người" đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân ta. Giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Từ năm 2005 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần phê duyệt các Đề án xây dựng xã hội học tập theo các giai đoạn 2005-2010, 2021-2020 và 2021-2030. Việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên. Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
Những thành tựu trên của ngành giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm sâu vào từng gia đình, từng dòng họ, từng khu dân cư, từng cơ sở đào tạo, từng vùng, miền... Nhiều phong trào dòng họ, làng, xã thi đua học tập được khôi phục và phát triển mạnh, với các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập". Nhiều gia đình, dòng họ tiêu biểu đã được vinh danh trong Đại hội biểu dương những mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc năm 2016 và 2021. Đây là những mô hình đặc sắc không có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây dựng và duy trì có hiệu quả "Quỹ Khuyến học", với các hình thức tuyên dương, động viên, khen thưởng tinh thần học tập - một nét đẹp văn hóa, tạo nên phong trào to lớn, có sức lan tỏa rộng rãi. Cả nước đã xuất hiện nhiều phong trào học tập ngoại ngữ, khiêu vũ của người cao tuổi ở thành phố; học kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi ở nông thôn; lớp học trên ghe, thuyền cho các cháu làng chài miền sông nước; lớp học tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số; lớp học tiếng Anh ở vùng cao do các thầy cô giáo dưới xuôi giảng dạy thông qua các phương tiện nghe nhìn; lớp học tình thương dành cho các cháu mồ côi, khuyết tật…
Có nhiều làng trở thành hiện tượng xã hội như làng hội họa, làng của những nông dân chơi vĩ cầm, làng của những chị em quê lúa chơi kèn Tây, làng của văn hóa đọc... Có những tấm gương cao niên nhiều năm liền kiên trì quyên góp sách, xây dựng thư viện, cổ vũ phòng trào đọc sách ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng khó khăn. Đặc biệt là phong trào học tập từ xa thông qua internet trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.
Nhiều tấm gương người khuyết tật, điển hình như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, bằng nghị lực phi thường đã vượt qua số phận để đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Nhiều bác trên 60, 70 tuổi vẫn hằng ngày cắp sách đến trường. Thậm chí, nhiều cụ 80, 90 tuổi, vượt qua cả tuổi tác để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, lấy bằng Đại học để thỏa ước mơ của cuộc đời mà tuổi trẻ không có điều kiện thực hiện. "Đây thực sự là những mô hình mới, những tấm gương sáng về tinh thần học không bao giờ muộn, "học, học nữa, học mãi"; "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại", góp phần để đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn.
Có thể thấy, việc khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào rộng lớn, phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, đưa sự nghiệp giáo dục của Việt Nam phát triển cả về lượng và chất, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Hội Khuyến học Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.
Phát biểu tại Lễ phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030", ngày 10/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn: "Chúng ta phải chung sức, đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tạo động lực, truyền cảm hứng để người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập, cả nước học tập. Học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập trên mọi lĩnh vực để hoàn thiện mình về đức, trí, thể, mỹ. Học tập để góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng; người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc 5 châu, không thua kém bất kỳ đất nước nào trên thế giới".
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn trong giờ đọc sách tại thư viện. Ảnh: Internet
"Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số"
Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi số đã diễn ra như một xu thế tất yếu của kỷ nguyên toàn cầu hóa, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số với nội dung rộng lớn và đa dạng.
Không nằm ngoài xu thế, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực y tế. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, chuyển đổi số là nhiệm vụ, mục tiêu mà xã hội học tập ở giai đoạn tới cần đạt được, để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số. Xây dựng hệ thống trường lớp, cơ sở giáo dục đào tạo hoạt động trong môi trường số là thành quả mà xã hội học tập trong giai đoạn tiếp theo phải đạt được.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong nhân dân, giúp nâng cao nhận thức về năng lực tự học trong kỷ nguyên số; đồng thời huy động sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ, xây dựng cung ứng đa dạng các kênh và công cụ học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023, với chủ đề "Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số", từ ngày 2 đến 8/10/2023. Theo đó, các địa phương triển khai hoạt động với nội dung phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, như: tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu cho các thư viện, đặc biệt là thư viện số. Khuyến khích các thư viện hợp tác chia sẻ tài nguyên để triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến học, các mô hình đọc sách, mô hình chia sẻ tri thức liên thế hệ; phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm đọc nhằm nuôi dưỡng thói quen đọc sách.
Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm khai thác, sử dụng thông tin trên mạng internet một cách hiệu quả, an toàn cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, công chức, viên chức, người lao động. Đặc biệt, tăng cường vai trò của các trường Đại học, Học viện, trường Cao đẳng trong việc cung cấp các nguồn tài nguyên học liệu mở, như: sách báo, bài giảng điện tử, bài giảng trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, phần mềm mô phỏng… Khuyến khích các cơ quan, tổ chức (nhất là những cơ quan, tổ chức đã được công nhận là đơn vị học tập) tổ chức những sân chơi, diễn đàn, cuộc thi chủ đề về "cộng đồng số", "công dân số"… .
(1): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 8.
(2): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr. 36.