LCĐT - Thời gian qua, những hạn chế về đường truyền internet tại nhiều địa phương vùng cao, vùng khó khăn đã ảnh hưởng đến công tác dạy và học của các nhà trường. Để đảm bảo chất lượng đường truyền internet, các nhà mạng đang triển khai một số biện pháp cụ thể.
Viettel Lào Cai đã khảo sát và lắp đặt thêm nhiều thiết bị để tối ưu vùng phủ sóng, đảm bảo đường truyền internet. |
Tại Lào Cai, hiện học sinh học trực tiếp tại trường nên việc học online chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến có thể sẽ phải triển khai. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có sinh viên học ở các trường đại học, cao đẳng tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ hiện phải học trực tuyến tại nhà, các nhà mạng đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đường truyền; đưa ra chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng còn nhiều khó khăn.
Em Trần Sỹ Thủy, đang sống tại xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên) là sinh viên năm thứ 2 Đại học Công nghiệp Hà Nội. Bước vào năm học mới đã hơn 1 tháng nhưng em chưa được xuống trường và phải học qua phần mềm trực tuyến. Thủy cho biết: Trước đây, khu vực em sống, sóng điện thoại rất yếu, hay mất mạng internet. Nhưng nay, điện thoại của em đã có thể kết nối mạng 4G khá ổn định, nên việc học trực tuyến tại nhà của em không bị ảnh hưởng hay gián đoạn. Em ngồi trong nhà cũng có thể học mà không phải tìm chỗ “hứng” sóng như trước.
Nhờ nỗ lực của các nhà mạng và các chính sách ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều học sinh, sinh viên đã có đường truyền chất lượng hơn để học online. Là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu trên địa bàn tỉnh, VNPT Lào Cai có nhiều chia sẻ với ngành giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, VNPT Lào Cai hỗ trợ các trường nâng cấp đường truyền lên tới 100 Mbps. Đồng thời, hỗ trợ khách hàng sử dụng các phần mềm học trực tuyến, trong đó VNPT hướng tới cung cấp phần mềm V-Meeting cho các cơ sở giáo dục, đảm bảo kết nối nội tỉnh, duy trì đường truyền ổn định.
Tại các khu vực vùng cao còn nhiều khó khăn, VNPT Lào Cai xây dựng kế hoạch mở rộng hạ tầng, mạng lưới dịch vụ cố định và di động, bổ sung 30 cơ sở hạ tầng mạng viễn thông cùng với hơn 130 thiết bị OLT 4G trong năm 2021, đảm bảo 100% cơ sở hạ tầng có 4G, giúp việc học trực tuyến và điều hành, quản lý của nhà trường được thông suốt. Đối với các khu vực chưa có hạ tầng băng rộng, cố định, VNPT Lào Cai đã khảo sát và nâng cao chất lượng sóng 4G để hỗ trợ các nhà, giáo viên và học sinh dạy và học qua dịch vụ Data 4G của Vinaphone. VNPT Lào Cai cũng hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo mở thêm 1 kênh truyền hình riêng miễn phí trên dịch vụ truyền hình MyTV, giúp thầy và trò theo dõi kênh bài giảng do Sở Giáo dục và Đào tạo quản trị nội dung, giúp đồng nhất giáo trình và nội dung giảng dạy trực tuyến trên toàn tỉnh…
Ông Trần Minh Đức, Giám đốc VNPT Lào Cai cho biết: Các kỹ sư, chuyên gia hàng đầu của tập đoàn luôn nghiên cứu, hoàn thiện để tối ưu hệ thống giáo dục trực tuyến vnEdu LMS. Chúng tôi cũng tăng cường nguồn nhân lực, nhân viên kỹ thuật bảo trì sự cố mạng lưới để chăm sóc khách hàng, xử lý sự cố, đảm bảo đường truyền tín hiệu internet, di dộng, nhất là các khu vực trường học được thông suốt.
Đường truyền inernet ổn định sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc học online của học sinh, sinh viên. |
Cùng với VNPT, Viettel Lào Cai cũng có nhiều giải pháp cụ thể. Từ năm 2008, Viettel Lào Cai đã thực hiện chương trình “Internet trường học”, triển khai miễn phí 600 đường truyền internet băng rộng (cáp quang và vô tuyến) đến các trường học và cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh, với tổng kinh phí đến hết năm 2021 khoảng 23,4 tỷ đồng. Từ năm 2014, Viettel đã tài trợ 100% phần mềm quản lý trường học SMAS 3.0 cho các trường học trị giá 11,2 tỷ đồng; hỗ trợ các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai dạy học và ôn tập miễn phí trên mạng xã hội học tập trực tuyến Viettel Study; cung cấp sổ liên lạc điện tử tới hơn 50 trường; triển khai cổng thông tin cho 8 phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố với 520 trường học và cơ sở giáo dục.
“Viettel Lào Cai đang tiếp tục rà soát các vị trí lõm sóng 4G và đang triển khai thêm hơn 80 giải pháp để tối ưu vùng phủ, đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến cho giáo viên và học sinh tại các thôn, bản xa nhất. Triển khai thêm 200 km cáp quang, 10.000 cổng GPON cung cấp dịch vụ internet cáp quang băng rộng đến các thôn, bản”, ông Phạm Ngọc Quỳnh, Giám đốc Viettel Lào Cai cho biết.
Viettel Lào Cai cũng đã cung cấp ứng dụng K12Online giúp giáo viên và học sinh tương tác 2 chiều hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng các bài giảng trực tuyến, luyện tập và kiểm tra của mỗi học sinh, giáo viên và nhà trường trong công tác quản lý và học tập trực tuyến trong năm học mới. Viettel tặng 50% lưu lượng data cho các gói cước dành cho học sinh, sinh viên (từ 14 đến 22 tuổi); miễn phí 100% data truy cập các ứng dụng về giáo dục K12Online, SMAS, website giáo dục.
Thời gian qua, HĐND, UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông nhận được phản ánh của các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục liên quan đến chất lượng các dịch vụ viễn thông tại các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng, đặc biệt trong những thời điểm học sinh, sinh viên phải học online nhiều.
Ông Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Chúng tôi đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp rà soát, cung cấp thông tin hiện trạng sử dụng dịch vụ viễn thông tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Khi có kết quả, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ gửi danh sách các cơ sở giáo dục đang gặp khó khăn để đề nghị các nhà mạng khắc phục.
Nâng cao chất lượng đường truyền là hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong chương trình “Sóng và máy tính cho em”, chung tay hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến trong giai đoạn ảnh hưởng đại dịch Covid-19.