Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương, từ năm 2020 đến tháng 3/2023, trên địa bàn huyện đã trồng được 1.628 ha rừng tập trung; hằng năm bảo vệ 78.473 ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 1.600 ha; chăm sóc, bảo vệ rừng trồng phòng hộ 306,6 ha; trồng 490.000 cây lâm nghiệp phân tán. Đến nay, tỷ lệ tán che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 44,08%, vượt 1,03% theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2025.
Để đạt kết quả trên, huyện Mường Khương đã có những giải pháp cụ thể, hiệu quả, phù hợp với thực tế của địa phương. Trước hết, muốn trồng rừng phải có quỹ đất. Do vậy, huyện đã rà soát, điều chỉnh ranh giới quy hoạch các loại rừng thời kỳ 2021 - 2030, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn huyện Mường Khương khoảng 32.116 ha (trong đó đất rừng phòng hộ 18.670 ha; đất rừng đặc dụng 29 ha; đất rừng sản xuất 13.417 ha).
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp, tập trung quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo đúng quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác. Thực hiện quy chủ diện tích rừng và đất lâm nghiệp; rà soát, quản lý hiệu quả đất có nguồn gốc nông, lâm trường, đất do các xã quản lý để tạo quỹ đất cho phát triển rừng.
Vấn đề giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng được huyện quan tâm. Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền người dân chú trọng nguồn gốc, chất lượng giống cây lâm nghiệp, trồng cây bản địa đa mục đích, đồng thời tăng tính đa dạng sinh học và khả năng phòng hộ của rừng. Đối với trồng rừng sản xuất tập trung, ưu tiên trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao; có khả năng kháng chịu sâu bệnh, các điều kiện bất lợi của thời tiết; khuyến khích kết hợp trồng hỗn giao các loài cây gỗ mọc nhanh và cây gỗ có chu kỳ kinh doanh dài.
Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn, đảm bảo cây giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giống cây lâm nghiệp.
Một trong những giải pháp rất thực tế mà huyện Mường Khương triển khai mang lại hiệu quả rõ nét là thay đổi nhận thức của người dân về kinh tế lâm nghiệp. Các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã đã tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của đồi rừng và hiệu quả kinh tế do đồi rừng mang lại. Cùng với đó, huy động các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh, nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp tục thu hút, kêu gọi nguồn vốn từ các dự án nước ngoài (dự án JIPRO) hỗ trợ người dân đầu tư, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó hỗ trợ trồng rừng sản xuất sau đầu tư đối với các xã vùng II, III. Sau khi trồng rừng, người dân được UBND cấp xã kiểm tra, nghiệm thu tại nương, đồi, nếu đạt tiêu chuẩn và đảm bảo các quy định sẽ được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Đây là cách làm mang lại “lợi ích kép”, khuyến khích người dân chủ động đầu tư phát triển kinh tế rừng, giao quyền tự chủ cho người trồng rừng, bảo đảm đúng diện tích, tỷ lệ cây sống cao, chất lượng rừng tốt hơn.
Hiệu quả việc thay đổi nhận thức về kinh tế lâm nghiệp của người dân ở 4 xã có nguy cơ sa mạc hóa cao là Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Tả Ngài Chồ là minh chứng rõ nét. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn 4 xã, người dân đã trồng mới 312 ha rừng (trong đó người dân tự bỏ vốn đầu tư 273,3 ha), loài cây trồng chủ yếu là quế, hồi, xoan, lát hoa… nâng diện tích đất có rừng tại các xã này lên khoảng 4.930 ha. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn 4 xã, các hộ, cá nhân đã khai thác 1.114,23 m3 gỗ rừng trồng, cây trồng phân tán, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Với giá bán bình quân 1,5 triệu đồng/m3 gỗ, giá trị kinh tế thu về gần 1,7 tỷ đồng, đây là nguồn thu đáng kể của người dân để cải thiện, nâng cao cuộc sống và cũng là nguồn lực để đầu tư, tái tạo rừng. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng tại 4 xã có nguy cơ sa mạc hóa cao đã nâng từ 43,2% (năm 2020) lên 45,1% (năm 2022).
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương - ông Đoàn Doanh Tiến khẳng định: Những kết quả đạt được trong công tác trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương nhiệm kỳ 2020 - 2025 là động lực để cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương tiếp tục nỗ lực phủ xanh mảnh đất vùng cao, biên giới có nguy cơ sa mạc hóa cao.