Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, mưa dông trong 3 ngày đã làm ảnh hưởng 3 nhà dân (1 nhà ở xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương bị nghiêng; 1 nhà tại xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên bị tốc mái trên 70% và 1 nhà tại xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên bị đất sạt vào phía sau).
Mưa lũ cũng gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Cụ thể, toàn tỉnh có 17,25 ha lúa (15,5 ha tại huyện Bảo Yên và 1,75 ha tại huyện Mường Khương), 5 ha cây ăn quả, cây hoa màu (huyện Bảo yên) bị gãy đổ; cuốn trôi 2 con trâu của người dân xã Minh Tân, huyện Bảo Yên.
Về hạ tầng giao thông, mưa lũ làm sạt lở 3 điểm trên Quốc lộ 4D (đoạn qua xã Thanh Bình, huyện Mường Khương) với khối lượng trên 200 m3 đất, đá; làm sạt lở một số điểm trên Tỉnh lộ 154 (qua địa bàn xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương) gây tắc đường cục bộ tại Km33+950, Km34+410. Một số điểm trên Tỉnh lộ 156 (qua địa bàn xã Trịnh Tường và Y Tý huyện Bát Xát) bị sạt lở đất, đá taluy dương với khối lượng khoảng 408 m3; Tỉnh lộ 151B (đoạn qua xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn) sạt lở trên 100 m3 gây tắc đường cục bộ.
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm sạt lở nhiều tuyến đường huyện, đường liên xã của huyện Mường Khương, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng... với khối lượng hàng nghìn mét khối, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Hiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Sở đã chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai đưa phương tiện và nhân lực đến cắm biển cảnh báo tại những vị trí sạt lở; phân luồng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo dự báo, đợt mưa dông này sẽ kéo dài từ ngày 30/7 đến hết 1/8, có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi các địa phương như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương và ngập úng vùng trũng thấp ven sông khu vực các huyện Bảo Yên, Văn Bàn và thành phố Lào Cai… Vì vậy, người dân cần chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.