Moskva công bố các chủ đề sẽ đưa ra trong cuộc đàm phán với Kiev tại Istanbul

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Ryabkov, Moskva (Moscow) muốn thảo luận về một “giải pháp ổn định lâu dài” với Kiev trong cuộc đàm phán dự kiến sắp tới tại Istanbul, bao gồm cả việc công nhận các vùng lãnh thổ trước đây thuộc Ukraine như một phần không thể tách rời của Liên bang Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: Sputnik
Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: Sputnik

Kênh RT của Liên bang Nga tối 13/5 cho biết cùng ngày Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Sergey Ryabkov đã trao đổi với báo giới về cuộc gặp trực tiếp giữa Liên bang Nga và Ukraine được đề xuất, giải thích rằng các vấn đề mà Moskva sẽ đưa ra về cơ bản là “giống như trước đây” và chủ yếu xoay quanh các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga tại Ukraine.

“Chúng luôn nằm trong chương trình nghị sự – làm thế nào để đảm bảo một giải pháp ổn định và đáng tin cậy cho tình hình, trước hết là bằng cách giải quyết tận gốc cuộc xung đột này, xử lý các vấn đề liên quan đến phi phát xít hóa chế độ Kiev, và bảo đảm công nhận thực tế mới hình thành gần đây, bao gồm cả việc các vùng lãnh thổ mới gia nhập vào Liên bang Nga”, ông Ryabkov phát biểu.

Thứ trưởng Ryabkov dường như đang đề cập đến các vùng Kherson, Zaporizhzhia, cũng như hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, vốn đã được sáp nhập vào Liên bang Nga vào cuối năm 2022 sau một loạt các cuộc trưng cầu dân ý. Trước đó, sau cuộc đảo chính Maidan năm 2014 tại Kiev, Crimea cũng đã tách khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga thông qua trưng cầu dân ý.

Vị quan chức cấp cao này từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán nào về kết quả tiềm năng của cuộc đàm phán sắp tới, nhưng nhấn mạnh rằng Moskva cam kết đàm phán “một cách nghiêm túc và có trách nhiệm”.

“Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ dự đoán nào. Câu hỏi này nên được đặt ra cho những nhà tài trợ của chế độ Kiev và chính Kiev. Liệu họ có sẵn sàng đàm phán hay không? Chúng tôi có ấn tượng mạnh rằng với cách tiếp cận hiện tại, những nhân vật này có thể được mô tả là không có khả năng đàm phán”, ông Ryabkov nhận định.

Vào ngày 11/5, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã đề xuất nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp, nhấn mạnh rằng tiến trình giải quyết xung đột phải bắt đầu bằng đối thoại, và các cuộc đàm phán này có thể dẫn đến “một hình thức ngừng bắn mới và một thỏa thuận đình chiến mới”.

Đề xuất này đã vấp phải phản ứng trái chiều từ Kiev và các nước ủng hộ Ukraine, những bên vẫn khẳng định rằng đàm phán chỉ có thể diễn ra sau khi ngừng bắn ít nhất 30 ngày. Tuy nhiên, đề xuất lại được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ, người đã kêu gọi Kiev “ngay lập tức” chấp nhận.

Sau tuyên bố của Trump, Ukraine đã chuyển hướng lập trường, và Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng gặp trực tiếp Tổng thống Liên bang Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5.

Trong khi đó, vào thứ Ba (13/5), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về khả năng Tổng thống Putin tham dự, chỉ xác nhận rằng một phái đoàn Nga sẽ “chờ” phía Ukraine tại Istanbul vào ngày 15/5.

Ông Peskov không tiết lộ ai sẽ đại diện cho Liên bang Nga trong cuộc gặp, nói rằng ông chưa được phép công bố thông tin này.

Tuy nhiên, theo một cựu quan chức Liên bang Nga tiết lộ với tờ Washington Post, phía Moskva sẽ được đại diện bởi Ngoại trưởng Sergey Lavrov và trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov.

Thông tin này cũng được hãng thông tấn độc lập APA của Azerbaijan xác nhận dựa trên các nguồn tin hiểu biết vấn đề của mình, nhưng nói rõ Ngoại trưởng Sergey Lavrov sẽ dẫn đầu phái đoàn Liên bang Nga còn trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov cũng đã được đưa vào thành phần phái đoàn của Liên bang Nga tham gia cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul.

Về phần mình, Mỹ sẽ cử đại diện tham dự hòa đàm tại Istanbul.

Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận vào ngày 13/5 rằng Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ tham dự. Hai đặc phái viên của Tổng thống Trump là các ông Steve Witkoff và Keith Kellogg, cũng sẽ đến Istanbul để theo dõi tiến trình đàm phán.

Tổng thống Trump, hiện đang trong chuyến công du Trung Đông, cũng cho biết ông có thể tham dự hòa đàm, tuy nhiên việc ông có mặt hay không sẽ “phụ thuộc phần lớn” vào việc người đồng cấp Putin có tham dự hay không.

Nếu cuộc gặp giữa ông Putin và ông Zelensky thực sự diễn ra, đây sẽ là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ năm 2019. Kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, hai bên chưa từng tổ chức bất kỳ cuộc gặp trực tiếp nào.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lào chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa lũ 2025

Lào chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa lũ 2025

Chủ động ứng phó với lũ lụt, kịp thời hỗ trợ, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, điều tiết xả lũ… là các biện pháp đang được Lào chủ động thực hiện nhằm đảm bảo phòng chống, ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả mùa mưa lũ.

EU thảo luận vấn đề Ukraine, đàm phán thương mại với Mỹ và xung đột ở Trung Đông

EU thảo luận vấn đề Ukraine, đàm phán thương mại với Mỹ và xung đột ở Trung Đông

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) diễn ra từ ngày 26 - 27/6, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về việc tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, đàm phán thương mại với Mỹ nhằm tránh nguy cơ bị áp thuế cao và ứng phó với tình hình nhân đạo ngày càng nghiêm trọng tại Dải Gaza.

UAV Shahed trong khu trưng bày.

Câu trả lời của Ukraine cho làn sóng tấn công bằng UAV Shahed Nga

Để đối phó với làn sóng tấn công trên không của Nga, Ukraine cần tập trung vào 3 ưu tiên: mở rộng các trung tâm đào tạo phi công UAV đánh chặn, tài trợ cho các dự án phát triển máy bay không người lái (UAV) nội địa thế hệ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn bộ ngành công nghiệp UAV quốc gia.
Cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Tòa án Hiến pháp ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/1/2025. Ảnh tư liệu

Công tố viên đặc biệt xin lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol

Ngày 24/6, Công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc, do ông Cho Eun Suk đứng đầu, đã đệ đơn xin lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol lên Tòa án Trung tâm Seoul, với lý do ông đã từ chối 3 lệnh triệu tập của cảnh sát liên quan đến các cáo buộc về việc tuyên bố thiết quân luật ngày 3/12/2024.
fb yt zl tw