Lý luận, phê bình vẫn là "khoảng trống" của sân khấu

Có vai trò dẫn dắt dư luận, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, nhưng trên thực tế, hoạt động lý luận, phê bình có phần đứng ngoài rìa đời sống sân khấu, khiến sân khấu thêm trầm lắng và ảm đạm. Đây là tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” đã được đề cập suốt nhiều năm qua, song chưa được giải quyết thấu đáo, gây không ít trăn trở cho những người nặng lòng với sân khấu nước nhà.

5.jpg
Cảnh trong vở “Bến nước thời gian” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Trao đổi tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp của lý luận, phê bình sân khấu hôm nay” được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức gần đây, PGS, TS Trần Trí Trắc thẳng thắn nhận định: Ngành lý luận, phê bình sân khấu ở Việt Nam chưa thể gọi là chuyên nghiệp vì còn rất non trẻ, mang tính phong trào. Những ai được gọi là nhà lý luận, phê bình cũng nhận thấy mình chưa xứng đáng với danh hiệu đó, bởi chưa bao giờ coi phê bình sân khấu là nghề nghiệp sống còn. Bài viết của họ có công phu đến mấy cũng chỉ được ít tiền nhuận bút không tương xứng giá trị “đầu vào”, cho nên nhiều người được đào tạo bài bản hoặc đã từng có tiếng tăm một thời, sớm muộn cũng phải “chạy làng” sang những ngành khác.

Theo PGS, TS Trần Trí Trắc, đã từng có một thời, đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu đã phát huy được vai trò rực rỡ khi nền sân khấu cách mạng nước ta ở thời điểm phát triển mạnh mẽ. Nhưng hiện nay, nguồn nhân lực cũ được đào tạo tại Liên Xô trước đây, Trung Quốc, Đại học Tổng hợp (nay là Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, đã khuất núi hoặc già yếu, trong khi nguồn nhân lực mới hầu như không có (Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội ngót 20 năm trở lại đây không mở được lớp lý luận, phê bình vì không có thí sinh đăng ký tuyển sinh đầu vào, trong các mã ngành cử đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, không có mã ngành lý luận, phê bình sân khấu).

Thêm nữa, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cũng chưa coi nhà lý luận, phê bình sân khấu là thành viên thân thiết trong sáng tạo, cho nên lý luận, phê bình sân khấu càng trở nên lạc nhịp trong bối cảnh hiện tại. “Lương thấp, nhuận bút ít, làm việc tận tụy để “được” ghét, thì đành... thượng sách phải chạy làng hoặc hạ sách là uốn bút” - PGS, TS Trần Trí Trắc xót xa cho hay.

Thiếu những cuộc “bút chiến” ra trò, thiếu những tranh luận, phản biện đến cùng trên tinh thần xây dựng của những người có chuyên môn, cho nên không khó lý giải tại sao dù có nhiều vở diễn liên tục ra đời thì diện mạo sân khấu vẫn cứ thiếu sôi động, nhạt nhòa, khan hiếm những tác phẩm chất lượng cao, khó khăn trong tiếp cận công chúng. Nhiều chuyên gia cho rằng, viết lý luận, phê bình sân khấu hiện nay rất khó. Bởi muốn viết dài cho thấu đáo, chỉ hợp để đăng tạp chí, song chờ tạp chí ra thì vở đã diễn xong. Còn với bài báo bị quy định về dung lượng thì chỉ có thể khen chỗ này một tí, chê chỗ kia một tí, chẳng ra lý luận hay phê bình, chỉ đơn thuần là bài báo giới thiệu tác phẩm.

Nói như TS Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) là: Lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam hiện nay vừa yếu, trống vắng, vừa có dấu hiệu lệch hướng. Có rất ít công trình, bài viết, chuyên luận phê bình thật sự sắc bén, có chiều sâu, có giá trị định hướng cho sáng tạo của văn nghệ sĩ. Đội ngũ phê bình chuyên nghiệp bị lép vế, không có “đất dụng võ”...

Lâu nay lý luận, phê bình vẫn được ví như “bác sĩ” của sân khấu. Nếu thiếu “bác sĩ”, nghệ thuật sân khấu sẽ chẳng thể khỏe mạnh. Vì thế, vai trò quan trọng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng cần được nhận diện đầy đủ và khẳng định trên thực tế bằng những giải pháp cụ thể. TS Trần Thị Minh Thu cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ các nhà lý luận, phê bình sân khấu có chuyên môn; cần có chính sách cử người có năng lực đi đào tạo ở nước ngoài; có cơ chế đặc thù khuyến khích người theo học ngành lý luận, phê bình; nâng cao nguồn kinh phí dành cho các công trình nghiên cứu, điều chỉnh mức lương, mức nhuận bút để tạo động lực cống hiến cho các nhà lý luận, phê bình; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm và đạo đức làm nghề đối với đội ngũ lý luận, phê bình...

Để lý luận, phê bình sân khấu phát huy vai trò ngay từ khâu sáng tạo tác phẩm, theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, bản thân các đơn vị sân khấu, các hội đồng nghệ thuật cần có những nhà hoạt động sân khấu rành về lý luận, phê bình để giúp ê-kíp sáng tạo bảo đảm được tính thống nhất của vở diễn về thể tài, sự phát triển hành động kịch và nhấn được thông điệp của tác phẩm...

Như đã đề cập, “đất” dành cho lý luận, phê bình sân khấu trên báo, đài không còn nhiều, song sự phát triển của các nền tảng công nghệ cũng đang mở ra nhiều “cánh cửa” khác. Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng quan điểm, bản thân lý luận, phê bình cũng phải thay đổi, không thể chỉ mãi bó hẹp trong những dạng thức cũ, là những bài viết viện dẫn hết lý luận cao siêu nọ đến trường phái kia. “Những cái ấy rất hay vì tính hàn lâm, nhưng để công chúng hiểu được, người làm lý luận phải tìm cách đại chúng hóa, nhằm mục đích đưa tới gần công chúng hơn nữa” - ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.

Hiện nay, có nhiều người làm nội dung trên nền tảng mạng xã hội đang có nguồn thu khá tốt từ việc phê bình phim, review phim, nên kho tàng sân khấu Việt Nam với hệ thống các tác phẩm kinh điển đủ thể loại, và hàng chục tác phẩm sân khấu được dàn dựng hằng năm rõ ràng là cả bầu trời đề tài để các nhà lý luận, phê bình sân khấu thử sức trên môi trường số...

Theo Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã chính thức đi vào đời sống với nhiều điểm mới, thể hiện rõ tính ưu việt, mở ra những kỳ vọng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả trong kỷ nguyên mới.

Bản sắc và hội nhập

Bản sắc và hội nhập

Lào Cai và Yên Bái - hai vùng đất ở thượng nguồn sông Hồng, chung một mái nhà dưới dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đã chính thức hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới theo Nghị quyết 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội khóa XV. Tỉnh Lào Cai mới không chỉ mở rộng về không gian địa lý, tăng quy mô dân số mà còn là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa của vùng Tây Bắc, mở ra nhiều cơ hội hội nhập và phát triển từ việc phát huy giá trị các di sản văn hóa, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Viết giữa gian bếp nhỏ

Viết giữa gian bếp nhỏ

Góc làm việc của bà không phải phòng riêng, chỉ là chiếc bàn bên căn bếp nhỏ. Trên giá sách kế bên là những cuốn sách, tài liệu cũ quý giá, những thứ mà bà đã dành nhiều năm để sưu tầm, nghiên cứu. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Minh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật cũng là hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Chương trình "Vua tiếng Việt" tìm ra chủ nhân mới nhất của ngai vàng và giải thưởng lớn nhất trị giá hơn 300 triệu đồng. Chủ nhân ngai vàng giành chiến thắng trong phần thi về chủ đề Xe.

Người Xá Phó giữ gìn bản sắc văn hóa

Người Xá Phó giữ gìn bản sắc văn hóa

Trong những ngày cuối tuần yên ả, Nhà văn hóa đa năng xã Sơn Thủy cũ (nay là xã Văn Bàn) rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa. Ở đó, anh Lý Văn Tư cùng các thành viên Câu lạc bộ dân gian dân tộc Xá Phó say sưa tập luyện.

fb yt zl tw