Là một trong số những nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, Nguyễn Kim Ch. là sinh viên năm thứ tư, Trường đại học Thương mại Hà Nội đã “dính” cú lừa đầu tiên khi kiếm việc làm thêm. Ch. tìm trên Facebook thấy thông tin rao tuyển bán hàng theo ca tại một siêu thị với mức lương từ 4 triệu đồng đến 9 triệu đồng/tháng, cô liên lạc ngay với số điện thoại đăng trên trang và tìm đến địa chỉ để phỏng vấn.
Nhiều sinh viên suýt rơi vào bẫy "việc nhẹ lương cao" khi tìm việc qua mạng xã hội.
“Họ đưa đơn điền thông tin và yêu cầu đóng phí “thế chân” tiền mua đồng phục và lệ phí mở thẻ ATM với khoản tiền 500.000 đồng, sau đó hứa sẽ gọi đi làm trong hai đến ba ngày tới. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy trung tâm gọi điện”, chị Ch. kể lại.
Theo chị Ch. sau khi gọi vào số điện thoại của người tuyển dụng thì máy không liên lạc được, chị lên mạng tìm thêm thông tin mới phát hiện nhiều thông tin đăng tuyển tương tự đã hết hạn với rất nhiều số điện thoại liên lạc khác nhau.
Vừa tốt nghiệp Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, N.T V. thường vào một số trang mạng tìm việc làm thêm. Thấy có thông báo tuyển dụng bán hàng quần áo với khung thời gian phù hợp, thu nhập lại khá hấp dẫn, tìm đến địa chỉ được đăng trên mạng, T được nhân viên tuyển dụng viết giấy hẹn, đồng thời phải nộp cọc 300.000 đồng để “giữ chỗ” nếu không phía cửa hàng sẽ tuyển dụng người khác.
Là người đang có nhu cầu tìm việc làm lại thấy chị nhân viên nhiệt tình, thân thiện cho nên V. không chần chừ mà đồng ý nộp tiền luôn. Sau hơn một tuần chờ đợi không thấy phía cửa hàng liên lạc lại, V. tìm đến văn phòng hôm trước thì văn phòng đã giải tán.
Đăng tin tuyển dụng lừa đảo lên mạng xã hội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Thời gian qua, nhiều vụ lừa đảo tìm việc làm đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, tuy nhiên tình trạng này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Vừa qua, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Thị Bích Phượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cũng với hình thức “xin việc”.
Theo tài liệu điều tra, Phượng quen anh T. (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội), tự nhận mình là giảng viên của một trường đại học tại Hà Nội cho nên có nhiều mối quan hệ có thể xin việc làm tại cơ quan Nhà nước, trường đại học. Tin tưởng lời hứa hẹn, anh T. đã chuyển 480 triệu đồng cho Phượng để nhờ xin việc cho ba người. Sau đó, Phượng đã chiếm đoạt số tiền nêu trên mà không xin được việc như cam kết.
Qua tìm hiểu, hiện nay thông tin trong các tờ tuyển dụng được đăng trên các trang mạng xã hội nhìn chung đều hấp dẫn với người có nhu cầu tìm việc làm, nhất là đối với sinh viên mới ra trường. Bên cạnh những trung tâm có uy tín, cũng có nhiều đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội để đăng tải các thông tin môi giới, giới thiệu việc làm với mục đích lừa đảo nhằm thu lợi bất chính.
Thực tế, có nhiều thông tin tuyển dụng không có địa chỉ cụ thể của trung tâm hoặc văn phòng môi giới, giới thiệu việc làm. Nội dung tuyển dụng khá dễ dàng, không cần kinh nghiệm, không cần thử việc đã đánh trúng tâm lý của các bạn trẻ đang nôn nóng tìm việc. Đối tượng lừa đảo thường núp bóng nhà tuyển dụng với những “ma trận” tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản.
Muôn kiểu bẫy “việc nhẹ, lương cao” khi sinh viên tìm việc trên mạng xã hội.
Anh Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc một công ty giới thiệu việc làm ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: Các đơn vị giới thiệu việc làm có uy tín đều có địa chỉ cụ thể và có cam kết rõ ràng với người có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, những nơi đăng tuyển dụng với mục đích lừa đảo thường không có địa chỉ và đưa ra những thông tin không rõ ràng.
Do vậy, để tránh bị lừa, người có nhu cầu tìm việc cần cảnh giác trước những thông tin từ mạng xã hội chưa được xác thực rõ ràng…; ngoài ra, cần trang bị các kỹ năng cần thiết để nhận biết được những hình thức giới thiệu việc làm có dấu hiệu lừa đảo. Khi đi làm cũng nên chọn những công việc có liên quan đến ngành học để tích lũy kinh nghiệm.
Theo một số chuyên gia, người có nhu cầu tìm việc làm ít kinh nghiệm giao dịch, mất cảnh giác cho nên dễ trở thành “con mồi” cho các đối tượng lừa đảo. Phần lớn các đối tượng ẩn danh đăng tải thông tin tuyển dụng lên mạng xã hội, kèm mức thu nhập hấp dẫn. Sau đó nhận hồ sơ, thực hiện phỏng vấn, ký hợp đồng làm việc rồi bán đồng phục, sản phẩm với giá cao.
Các đối tượng đều yêu cầu người lao động đặt cọc trước khi nhận việc hoặc thu tiền người lao động khi tham gia tuyển dụng với danh nghĩa “tiền hồ sơ”, “tiền bảo đảm không bỏ việc”, “phí tuyển dụng”… Sau khi nhận tiền, các đối tượng này đóng cửa “sàn” giới thiệu việc làm, xóa tin đăng tuyển dụng rồi bỏ trốn.
Vì vậy, người có nhu cầu tìm việc làm nên lưu ý khi muốn tìm công việc phù hợp thì truy cập vào các trang web tìm việc uy tín như: Trung tâm Dịch vụ việc làm các quận, huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố. Đây là các tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động hợp pháp theo quy định pháp luật do cơ quan quản lý nhà nước thành lập.
Người tìm việc, khi sử dụng mạng xã hội tìm việc làm trực tuyến không truy cập vào các liên kết lạ, không cung cấp những thông tin cá nhân như: Căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã xác thực OTP trong giao dịch ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào. Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ thông tin các đơn vị tuyển dụng, đến các trung tâm dịch vụ việc làm uy tín để được kết nối công việc phù hợp, tìm kiếm nhà tuyển dụng tin cậy.
Về hành vi lừa đảo nói trên, luật sư Bùi Tiến Thọ, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
“Cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động trả phí cho việc mở tài khoản để trả lương là trái quy định của pháp luật”, luật sư Bùi Tiến Thọ nói.